Lamdongtv.vn - Dâu tây là loại cây đặc sản được trồng phổ biến tại nhiều nông hộ ở Dalat và một số vùng phụ cận thuộc địa bàn huyện Lạc Dương. Mùa này, do ảnh hưởng của hình thái thời tiết mưa nhiều, độ ẩm trong đất và trong khô khí tương đối cao, nên việc đầu tư, chăm sóc cây dâu tây gặp trở ngại.
THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP TRIỂN KHAI
Bình quân mỗi năm, ND Lâm Đồng trồng từ 120 đến 130 ha/năm dâu tây; sản lượng khoảng 1.500 tấn/năm. Trong đó, có khoảng gần 25% diện tích được trồng trong nhà kính; số còn lại là những diện tích dâu tây được trồng ngoài trời.
Những tuần gần đây, thời tiết tại những khu vực trồng dây tây chủ đạo là nắng mưa xen kẽ, độ ẩm trong đất và trong không khí tương đối cao… Đó là điều kiện thuận lợi để các loại sâu bệnh gây hại dâu tây bùng phát. Phổ biến hiện nay là tình trạng dâu tây bị đốm đen, thối đen rễ, mốc xám, xì mủ… Kéo theo, sản lượng dâu tây nhiều tuần qua, đặc biệt là những diện tích dâu tây trồng ngoài trời giảm đáng kể: đạt từ 5 đến 7ký/sào/phiên hái. Trong khi đó, với những diện tích dâu trong nhà kính, nhờ áp dụng nhiều kỹ thuật canh tác tiên tiến, hạn chế được những tác động bất lợi của thời tiết, nên năng suất cao hơn: từ 15 đến 20 ký/sào/phiên hái.
Mùa này, bà con tuyệt đối không để vườn dâu tây bị động nước. Trong giai đoạn đầu, bà con nên ngắt bỏ chùm hoa bói đầu tiên để tăng cường sinh trưởng, ức chế phát dục. Nếu không tận dụng ngó để nhân giống, bà con tránh để vườn dâu quá rợp. Tỉa bớt các lá già, sâu bệnh, lá bị che khuất tầng dưới. Tuy nhiên, không nên tỉa quá nhiều sẽ làm mất khả năng quang hợp của cây. Các bộ phận của dâu tây sau khi cắt tỉa phải được tiêu huỷ ở xa vườn trồng. Tùy theo từng độ tuổi của cây mà có chế độ bón phân hợp lý, giúp cây tăng sức đề kháng, vượt qua những tác động bất lợi của yếu tố thời tiết.
Thực hiện: Anh Vũ