Tin tức

Diễn đàn Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất nông nghiệp thông minh tại Đà Lạt

Thứ hai, 26/09/2022 - 09:11

(Lamdongtv.vn) - Tại Đà Lạt, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN và PTNT Lâm Đồng tổ chức Diễn đàn khuyến nông Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong phát triển sản xuất nông nghiệp thông minh (NNTM) thích ứng với biến đổi khí hậu

 Tham dự có đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và các tỉnh Thừa thiên Huế, Phú Yên, Khánh Hòa, Đồng Nai cùng các đơn vị sản xuất, ứng dụng và chuyển giao kỹ thuật và các hợp tác xã, hộ nông dân sản xuất nông nghiệp thông minh.
 

 
Thực tế cho thấy ngành Nông nghiệp Việt Nam bên cạnh những thành tựu đáng kể về nâng cao năng suất, thu nhập còn có những  thách thức về tiêu chuẩn chất lượng phục vụ xuất khẩu ngày càng mở rộng. Bởi vậy nông nghiệp Việt Nam trong thời gian tới cần tiếp tục phát triển ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông minh  nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và yêu cầu thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay. Riêng tại Lâm Đồng hiện có hơn 63 ngàn ha sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó 376 ha ứng dụng công nghệ thông minh. Với 56 cơ sở nuôi cấy mô thực vật trên 490 box cấy, hàng năm tỉnh Lâm Đồng sản xuất gần 72,4 triệu cây giống cấy mô các loại. Trong chăn nuôi bò sữa sử dụng tinh phân biệt giới tính để phối giống cho bò sữa nhằm tạo ra trên 94% bê con sinh ra là bê cái; Sử dụng máy liên hợp, phối trộn khẩu phần thức ăn hoàn chỉnh theo phương pháp TMR Hiệu quả ứng dụng công nghệ IoT giúp người sản xuất giảm 10- 20% lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học; giảm 30- 50% lượng nước tưới và nhân công lao động…
 

 
Tuy nhiên, NNTM đang gặp không ít khó khăn thách thức do nhu cầu nguồn vốn đầu tư cho công nghệ thông minh 4.0 cao, trong khi giá thành sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ thông minh vẫn còn cao nhưng giá bán sản phẩm chưa tương xứng. Công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật của các cơ quan, đơn vị Nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp thông minh còn chậm. Địa hình canh tác phức tạp, khó áp dụng công nghệ thông minh. Vì vậy, diễn đàn lần này đã tập trung thảo luận các nội dung, để phát triển hiệu quả nông nghiệp thông minh trong đó đề xuất các giải pháp cụ thể như: đẩy tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong việc đầu tư xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng bền vững, ứng dụng công nghệ cao thông minh. Tập trung các nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng; Xây dựng, thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách trong hỗ trợ đầu tư NNCNC, nông nghiệp thông minh. Tiếp tục phát huy và tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế để tận dụng tối đa nguồn vốn đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung và nông nghiệp thông minh nói riêng. Nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực gắn với chỉ dẫn địa lý nhằm tạo lợi thế cạnh tranh, tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm đặc thù của Lâm Đồng trên thị trường trong nước và quốc tế.
Trước đó vào chiều ngày 22.9, các đại biểu tham dự diễn đàn đã tìm hiểu thực tế về ứng dụng canh tác thông minh ở TP Đà Lạt như trang trại Trồng dâu tâu ứng dụng công nghệ IoT tại vườn dâu Nam Anh thôn Lộc Quý, xã Xuân Thọ, TP. Đà Lạt. Đây là vườn dâu tây rộng 8000m2, kết hợp sản xuất với đón khách tham quan tại vườn. Sản lượng  của vườn dâu này đạt mỗi ngày  khoảng 120kg với giá bán  từ 400 đến 500 ngàn/1kg. Đoàn cũng đã đến thăm HTX Dịch Vụ Nông Nghiệp Tổng Hợp Sunfood Đà Lạt. Đây là  đơn vị sản xuất  nông nghiệp thông minh bằng hình thức liên kết  với 210 thành viên  canh tác trên diện tích  hơn 150ha với các loại rau ăn lá, rau ăn củ, đạt sản lượng  bình quân 3.600 tấn/năm. 
 
Mai An

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Quảng cáo trang nội dung, cột giữa