Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ tăng trưởng xanh thuộc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam đã hoàn thiện quy trình sản xuất phân hữu cơ trùn quế, vừa tự chủ nguồn cung phân bón, vừa chuyển giao kỹ thuật cho người nông dân
Sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ đang là xu thế nhằm đáp ứng nhu cầu về an toàn thực phẩm và chất lượng nông sản của người tiêu dùng Chủ động nắm bắt nhu cầu thị trường, năm 2021, Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ tăng trưởng xanh thuộc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam đã hoàn thiện quy trình sản xuất phân hữu cơ trùn quế, vừa tự chủ nguồn cung phân bón, vừa chuyển giao kỹ thuật cho người nông dân.
Thay vì bỏ đi như trước đây, thì nay, hơn 1.000 tấn phụ phẩm nông nghiệp như bả mía, vỏ trấu, cỏ dại được Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ tăng trưởng xanh ở xã Phước Tiến, huyện Bác Ái thu gom, dùng chế phẩm sinh học để đẩy nhanh quá trình phân hủy và đây cũng chính là thức ăn của trùn quế. Sau một tháng rưỡi, trùn quế sẽ tiêu hóa phụ phẩm nông nghiệp và chất thải thu được từ trùn quế chính là phân hữu cơ. Đây là loại phân hữu cơ có hàm lượng dinh dưỡng cao, rất tốt cho cây trồng.
Anh Phan Hồng Hải - Phụ trách sản xuất, Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ tăng trưởng xanh:
Trùn quế là một trong những con vật thích hợp với nhiều điều kiện biên độ nhiệt độ của nó sống từ 20-300c, biên độ nhiệt rất là cao. thứ hai nữa là nguồn thức ăn cho nó tất cả những phụ phế phẩm nông nghiệp chỉ có tránh không có chứa tinh dầu không có chứa amoni vôi bột hoặc thuốc bảo vệ thực vật ..
Vườn bưởi của Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ tăng trưởng xanh có diện tích 24ha, được trồng trên vùng đất nghèo dinh dưỡng, thành phần chủ yếu là sạn cốm, sét mủ nên cây bưởi bị thối rễ. Thế nhưng, sau gần 2 năm sử dụng phân hữu cơ trùn quế, vườn bưởi đã có sự khác biệt. Cây bưởi đâm chồi non rất mạnh, ít bị sâu bệnh và giảm được từ 30-40% lượng phân bón hóa học.
Hiện nay, Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ tăng trưởng xanh đã hoàn thiện quy trình sản xuất phân hữu cơ trùn quế và chuyển giao quy trình kỹ thuật cho nông dân huyện Bác Ái. Người dân có thể tận dụng nguồn phế phẩm nông nghiệp để làm nguyên liệu tạo ra phân hữu cơ trùn quế.
Anh Pa Tâu A Xá Bia - xã Phước Thắng, huyện Bác Ái:
Phân giun đây là vật nuôi bón cho cây trồng phân đây trồng cây là mát cây, phát triển rất tốt sản phẩm, công ty cho mình về dùng thử và hướng dẫn kỹ thuật làm để có kinh nghiệm để sau này mình tự chế phân trùn quế sử dụng trong để canh tác
Anh Phan Hồng Hải - Phụ trách sản xuất, Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ tăng trưởng xanh:
Người kinh hay người đồng bào ở đây đều có thể sử dụng có thể áp dụng được hết nó rất đơn giản chúng ta chỉ tuân thủ vài yếu tố cơ bản đó thôi con trùn quế này sức sống của nó rất tốt hệ vi sinh vật trong đường ruột của nó có thể tiêu hóa rất nhiều loại thức ăn
Hiện tại, Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ tăng trưởng xanh đã có khu nhà xưởng rộng 1.300m2, mỗi tháng sản xuất hơn 40 tấn phân hữu cơ trùn quế để bón cho cây trồng tại đơn vị và cung cấp cho thị trường trên 20 tấn.
Anh Nguyễn Quốc Khánh - Quản lý Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ tăng trưởng xanh:
trong vòng 5 năm tới thì phát triển sản xuất nông nghiệp sạch này đang là xu thế chung rồi tăng trưởng theo tôi chưa có con số chính xác nhưng tôi nghĩ là nó phải theo cấp số nhân
Không chỉ nuôi trùn quế tạo ra phân hữu cơ mà mô hình của Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ tăng trưởng xanh còn hướng đến việc thu dọn chất thải chăn nuôi, phế phẩm nông nghiệp đảm bảo vệ sinh môi trường, giảm chi phí sản xuất. Phân hữu cơ trùn quế có rất nhiều ưu điểm và ngày càng được sử dụng rộng rãi trong trong sản xuất nông nghiệp, đây cũng là cơ hội mà Trung tâm đang tận dụng để mở rộng sản xuất, chuyển giao kỹ thuật để cùng nông dân hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững./.
Công Phong
Đài PT-TH Ninh Thuận