(Lamdongtv.vn) - Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng, trong thời gian qua, tổng vốn đầu tư cho các mô hình du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh khoảng 377 tỷ đồng trên diện tích hơn 300 ha.Trong đó, diện tích đất nông nghiệp 212 ha, diện tích đất xây dựng khoảng 9 ha và diện tích đất khác là 81ha.
Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng cho biết, Sản phẩm du lịch canh nông đã từng bước phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử địa phương, ổn định cuộc sống của người dân trong vùng, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. Từ đó, góp phần bảo vệ môi trường, đặc biệt cộng đồng cư dân nơi triển khai mô hình được hưởng lợi từ việc phát triển các mô hình du lịch canh nông. Đến nay, Sở đã cấp thẻ hướng dẫn viên cho 198 hướng dẫn viên tại các điểm du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, phối hợp với UBND TP.Đà Lạt tiếp nhận và cấp chứng nhận sử dụng nhãn hiệu "Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành" cho 761 đơn vị trong đó có 11 đơn vị du lịch canh nông. Đánh giá chung cho thấy, Lâm Đồng là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai thí điểm mô hình du lịch canh nông, kết hợp du lịch và sản xuất nông nghiệp.
Do vậy, hiện nay vẫn còn thiếu các hướng dẫn cụ thể của các bộ, ngành trung ương trong quá trình tổ chức thực hiện điểm du lịch canh nông, dẫn đến quản lý loại hình du lịch canh nông tại tỉnh Lâm Đồng theo đề án thí điểm gặp nhiều khó khăn, phát sinh các vấn đề phức tạp liên quan về xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng trên đất nông nghiệp, phi nông nghiệp, chuyển đổi đất nông nghiệp thành phi nông nghiệp cũng như vấn đề về đội ngũ nguồn nhân lực chưa tạo được sự hấp dẫn đối với du khách khi đến tham quan trải nghiệm. Từ thực tế trên, trong năm 2023, tỉnh Lâm Đồng và các ngành liên quan sẽ tiếp tục điều chỉnh nhằm triển khai tốt hơn loại hình du lịch canh nông gắn liền với thương hiệu “Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lạnh” dưới nhiều hình thức đa dạng phong phú, đặc biệt trên nền tảng của chuyển đổi số./.
Hoàng Phúc