Những tháng đầu năm, trong khi thức ăn, chi phí chăn nuôi không hạ nhiệt, thì thị trường lại ảm đạm, tiêu dùng sụt giảm, khiến người chăn nuôi ở Đông Nam Bộ, nhất là tại thủ phủ Đồng Nai lao đao vì thua lỗ
Thu nhỏ quy mô sản xuất, thậm chí treo chuồng, chăn nuôi nông hộ ngày càng yếu thế…là thực tế đáng buồn đang diễn ra. Điều này đòi hỏi cần sớm tìm ra giải pháp để phát triển bền vững ngành chăn nuôi, chấm dứt vòng luẩn quẩn “cung – cầu”, duy trì sinh kế ổn định cho người chăn nuôi.
Trang trại có quy mô lên đến 160.000 con gia cầm này đang bị bỏ không nhiều tháng nay, bởi giá gà lông trắng chỉ quanh quẩn ở mức 20.000 đồng 1kg, thấp hơn gần 10.000 đồng so với giá thành. Không có thu nhập đã đành, mỗi ngày chủ trại còn phải mất thêm ít nhất 50 triệu đồng, chi phí nhân công và khấu hao tài sản. Chưa bao giờ, chăn nuôi đứng trước khó khăn đủ đường như bây giờ.
Tình trạng giá bán dưới giá thành cũng đang khiến người chăn nuôi heo ở thủ phủ Đồng Nai lao đao. Không ít trang trại không thể gồng gánh nổi, buộc phải thu nhỏ quy mô đàn, thậm chí tạm dừng để chờ thị trường hồi phục. Chăn nuôi nông hộ đã giảm 60%. Con số này sẽ còn tăng lên khi tình trạng thua lỗ như hiện này tiếp tục kéo dài.
Đầu vào chăn nuôi bị thả nổi bởi phụ thuộc hoàn toàn vòa nguyên phụ liệu nhập khẩu, trong khi đầu ra bị chi phối bởi tiêu dùng, hiện đang ảm đạm và sụt giảm mạnh, là nút thắt lâu nay của ngành chăn nuôi. Gỡ nút thắt này, chỉ còn cách quyết liệt thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi, tăng giá trị. Năm 2022, cả nước xuất khẩu khoảng 400 triệu USD, một con số rất nhỏ so với dư địa.
Đẩy mạnh xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh là trọng tâm ngành Nông nghiệp hướng tới nhiều năm nay, để duy trì chăn nuôi bền vững, giảm chi phí, bảo vệ môi trường và đảm bảo chất lượng sản phẩm. Tới đây, ngành Nông nghiệp cũng sẽ hoàn thiện các chuỗi ngành hàng, làm cơ sở để giám sát cũng như đáp ứng các tiêu chí trong quá trình đưa sản phẩm chăn nuôi “xuất ngoại”.
Phòng Thời sự
Đài PTTH Lâm Đồng