Tin tức

Hiệu quả từ nuôi cá Tầm tại Di Linh

Thứ tư, 22/03/2023 - 07:22

(Lamdongtv.vn) - Chăn nuôi cá nước lạnh là một lĩnh vực kinh tế thế mạnh của tỉnh Lâm Đồng. Đây là loại hình chăn nuôi đòi hỏi mức đầu tư cao cũng như kỹ thuật chăn nuôi bài bản và cũng là loại hình mang lại giá trị kinh tế cao

Chúng ta hãy cùng tìm hiểu hiệu quả từ mô hình này này tại trang trại chăn nuôi cá tầm của anh Vũ Mạnh Trường, ở thôn Hàng Hải, xã Gung Ré, huyện Di Linh.

Trại nuôi cá tầm gồm 5 ao nuôi cá thương phẩm và 2 ao cá bột của anh Vũ Mạng Trường xã Gung Ré, huyện Di Linh được xây dựng cách đây gần 4 năm. Anh Vũ Mạnh Trường là người đầu tiên phát triển nuôi giống cá nước lạnh quy mô lớn ở huyện Di Linh. Tận dụng địa thế thuận lợi và ưu thế về nguồn nước từ thác LiLiang, sau nhiều năm khảo sát, anh Trường quyết định đầu tư kinh phí xây dựng trại cá lên đến 2 tỷ đồng. Nguồn nước ở đây có độ tinh khiết cao, nhiệt độ luôn trong ngưỡng từ 15-20 độ C. Nước ở đây được anh Trường lắp đặt hệ thống chảy vào ao nuôi trực tiếp, nồng độ oxy luôn phải được đảm bảo ở mức cao để cá tầm sinh trưởng, phát triển tốt.

Với tổng diện tích 2500m2, tại đây, chủ trang trại nhập cá giống trọng lượng khoảng 10gram với giá 20 ngàn đồng/con để thả nuôi. Cá nuôi khoảng 12-14 tháng là có thể đạt trọng lượng từ 1,8-2 kg mỗi con để xuất bán. Hiện nay, giá cá tầm được thương lái thu mua tại trang trại của anh là 240 ngàn đồng/kg, giá bán này đã cao hơn 100 ngàn đồng/kg so với thời điểm 10 năm trước. Khác biệt giữa nuôi cá tầm trong ao lót bạt và nuôi trong lồng trên các hồ lớn chủ yếu phụ thuộc vào điều kiện địa hình, nguồn nước và mức đầu tư của mỗi nông hộ. Còn về kĩ thuật nuôi thì không quá khác biệt.

Trang trại cá tầm của anh Vũ Mạng Trường nuôi theo kiểu gối đầu, cứ cách từ 3 - 4 tháng, anh lại nhập cá giống về nuôi một lần. Hiện tại, mỗi năm trang trại anh Trường cung cấp cho thị trường TP Hồ Chí Minh gần 20 tấn cá thương phẩm. Theo tính toán, mỗi vụ cá với giá bán từ 200 – 250 ngàn đồng/kg, chủ trang trại thu lợi nhuận khoảng hơn 1 tỷ đồng.
Thời gian qua tỉnh Lâm Đồng luôn đẩy mạnh, xây dựng chính sách thu hút các nhà đầu tư vào phát triển cá nước lạnh ở địa phương. Toàn tỉnh đang có gần 30 đơn vị, tổ chức, cá nhân nuôi cá nước lạnh thương phẩm với tổng diện tích trên 400 ha. Ngoài các huyện trong tỉnh thi tiềm năng nuôi cá tầm trên địa bàn huyện Di Linh là rất lớn bởi lợi thế nguồn nước suối dồi dào, nước lạnh quanh năm. Nếu tận dụng được tài nguyên này cùng với sự đầu tư bài bản của người nông dân, doanh nghiệp, thì đây sẽ là hướng đi mang lại hiệu quả kinh tế cao ở cao nguyên Di Linh./.
Mai An

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Quảng cáo trang nội dung, cột giữa Quảng cáo trang chủ, cột giữa