(Lamdongtv.vn) - Thời gian gần đây, tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép trâu, bò qua biên giới các tỉnh miền Trung và miền Nam nước ta diễn ra khá phổ biến, làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh
Lâm Đồng mặc dù không phải là địa bàn có vùng biên giới với các quốc gia nhưng lại là địa bàn rộng, giáp ranh với nhiều tỉnh. Lâm Đồng cũng là địa phương phát triển mạnh ngành chăn nuôi vì vậy công tác kiểm dịch động vật xuất, nhập tỉnh luôn được chú trọng và cũng gặp không ít thách thức.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình trạng nhập lậu trâu, bò vào Việt Nam có thể làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm như bệnh lở mồm long móng, viêm da nổi cục... Hơn nữa, trâu, bò nhập lậu không rõ nguồn gốc có thể được cho ăn các sản phẩm cấm dùng trong chăn nuôi, không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi trong nước, sức khỏe người dân
Thực hiện thông báo của UBND tỉnh Lâm Đồng về công điện của Bộ NN&PTNT nhằm ngăn chặn kịp thời tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm vào địa phương, tại các địa bàn giáp ranh, các ngành chức năng tăng cường triển khai lực lượng chốt chặn 24/24 giờ để kiểm soát tình hình dịch bệnh, nguồn gốc, giấy tờ của các đợt xuất, nhập động vật. Tại Trạm kiểm dịch động vật ở xã Phước Cát 1 huyện Cát Tiên, một địa bàn giáp ranh giữa tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Bình Phước và trạm kiểm dịch Madaguoi – Huyện Đạ Hoai, nằm trên tuyến Quốc lộ 20, nơi có lưu lượng xe vận chuyển động vật qua lại đông đúc nhất trong các khu vực kiểm dịch trên địa bàn tỉnh các chuyến xe chở gia súc, gia cầm đi ngang qua đây đều được kiểm tra chặt chẽ từ nguồn gốc xuất xứ đến giấy chứng nhận của các chốt kiểm dịch đã đi qua đồng thời được tiêu độc, khử trùng kỹ lưỡng.
Ngoài ra, trên các khu vực giáp ranh, tại tất cả các chốt kiểm dịch trên địa bàn toàn tỉnh, công tác kiểm dịch luôn được thực hiện nghiêm túc. Tuy nhiên, theo nhận định của ngành chức năng Lâm Đồng: Việc lưu thông hàng hóa mạnh ngày càng mẽ dẫn đến việc kiểm soát hết nguồn lây lan ngày càng khó khăn. Địa bàn Lâm Đồng có nhiều tuyến đường giao thông qua các tỉnh nên việc kiểm soát hết nguồn lây này cũng là một thách thức. Trong lúc đó, các tỉnh giáp ranh Lâm Đồng như Đồng Nai, Bình Phước có mật độ chăn nuôi cao nên cũng gây nên những áp lực lên ngành chăn nuôi Lâm Đồng. Mặt khác hằng năm, địa phương nhập khẩu một nguồn phân gia súc gia cầm lớn phục vụ canh tác nông nghiệp nên việc kiểm soát nguồn lây này khá phức tạp. Chính vì vậy, ngoài tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm, lực lượng chức năng đã thực hiện nghiêm quy định của UBND tỉnh Lâm Đồng.
Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản Lâm Đồng cho biết năm 2022 đã kiểm dịch xuất, nhập tỉnh hơn 3,2 triệu con gia súc, hơn 60 triệu con gia cầm, 2.4 tần thịt các loại và 1.160 tấn sản phẩm khác. Riêng trong các tháng đầu của năm 2023 đã kiểm dịch xuất tỉnh hơn 350 ngàn con gia súc, gần 8 triệu con gia cầm, 661 ngàn con thủy cầm các loại; 2,6 tấn thịt các loại.. Qua đó, hạn chế nguy cơ dịch bệnh cũng siết chặt tình trạnh nhập lậu gia súc, gia cầm vào địa phương.
Hiện đang là thời điểm giao mùa, ngành chức năng Lâm Đồng cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong chăn nuôi rất cao. Hiện nay đã xuất hiện một số điểm dịch nhỏ quy mô hộ gia đình, cùng với việc tăng cường kiểm soát gia súc, gia cầm xuất, nhập vào tỉnh, ngành Thú y tích cực phối hợp các địa phương hướng dẫn nông hộ xử lý kịp thời để hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh, nhằm đảm bảo phát triển chăn nuôi bền vững tại địa phương./.
Mai An