Tin tức

Lạc Dương: Hiệu quả từ hợp tác sản xuất cà phê bền vững

Thứ sáu, 07/07/2023 - 13:29

(Lamdongtv.vn) - Dưới sự hỗ trợ của Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững IDH và SNV, từ năm 2019-2022, nhiều hộ trồng cà phê trên địa bàn 6 xã, thị trấn của huyện Lạc Dương đã được hỗ trợ triển khai thực hiện Dự án phát triển cà phê bền vững với mục tiêu hướng đến là tăng thu nhập cho nông dân và giảm tác động tiêu cực tới môi trường thông qua việc áp dụng các biện pháp canh tác cà phê bền vững

Sau 4 năm triển khai, dự án đã mang lại những hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững ngành cà phê, đặc biệt góp phần kết nối giữa nông dân, tổ hợp tác với các doanh nghiệp trong việc chế biến, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho bà con.
Dưới sự hỗ trợ của Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững IDH và SNV, huyện Lạc Dương hiện có 6 xã, thị trấn với trên 500 hộ tham gia tổ hợp tác sản xuất cà phê bền vững theo Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững, với diện tích canh tác khoảng 700 ha. Các hộ tham gia tổ hợp tác của dự án được hỗ trợ 45% tổng số các loại vật tư phân bón, thuốc BVTV, được hỗ trợ máy móc gồm máy chế biến ướt, máy chế biến khô, máy đo độ PH, đo lượng đường… được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn kỹ thuật sản xuất theo định kỳ. Kết quả sau 4 năm triển khai vườn cà phê của các hộ tham gia dự án sinh trưởng và phát triển tốt, lá có màu xanh đậm, cành dữ trữ đảm bảo năng suất cho vụ sau. Đặc biệt, việc đầu tư hỗ trợ cho nông dân máy sơ chế cà phê góp phần giảm thất thoát và nâng cao chất lượng sản phẩm sau thu hoạch, hiệu quả mang lại cao hơn nhiều lần so với việc bán cà phê tươi như trước đây.

Xã Lát là một trong những địa phương sớm hình thành tổ hợp tác sản xuất cà phê bền vững. Đến nay, đã có 90 hộ tham gia vào 3 tổ hợp tác, với tổng diện tích cà phê khoảng 300 ha. Khi chưa thành lập tổ hợp tác, bà con chủ yếu sản xuất theo tập quán truyền thống, nên năng suất và chất lượng sản phẩm cà phê không cao. Quy trình chăm sóc không được đảm bảo từ khâu chăm sóc đến khâu thu hoạch, bảo quản. Từ khi tổ hợp tác được thành lập, với sự hỗ trợ từ Dự án, các thành viên trong tổ đã được trao đổi kỹ thuật sản xuất và trồng mới cà phê, được hướng dẫn và định hướng về sản xuất cà phê theo hướng bền vững. Nhờ đó, việc sản xuất và chế biến cà phê thuận lợi hơn thu hút ngày càng đông thành viên tham gia nên diện tích canh tác cũng tăng lên đáng kể..
Hiện nay, mỗi năm, tổng sản lượng cà phê của 3 tổ hợp tác sản xuất cà phê bền vững trên địa bàn xã Lát đạt khoảng 600 tấn lụa. Việc thu hoạch chín gần 100% và đưa về tổ hợp tác để sơ chế, chế biến nên cà phê dễ bán hơn so với các hộ làm truyền thống. Nhờ liên kết được với doanh nghiệp, đầu ra cà phê ổn định, nên cuộc sống của các thành viên được đảm bảo.
Sự khác biệt lớn nhất khi tham gia Dự án sản xuất cà phê bền vững là tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ cỏ, 100% sản phẩm làm ra được bao tiêu với giá cao hơn thị trường tùy theo từng loại. Đối với cà phê quả tươi có giá cao hơn thị trường 1.000 đồng/kg; đối với cà phê lụa cao hơn thị trường  từ 10 đến 12.000 đồng/kg. Dự án bước đầu đã làm thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân hướng đến một nền nông nghiệp sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giúp tăng năng suất chất lượng cây trồng, tăng giá trị sản phẩm, từng bước nâng cao thu nhập cho người trồng cà phê trên địa bàn huyện góp phần ổn định cuộc sống.
CTV: Nguyễn Hiền – Anh Tuấn

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Quảng cáo trang nội dung, cột giữa OK