(Lamdongtv.vn) - Để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập, những năm qua, nông dân huyện Cát Tiên đã và đang tích cực chủ động đa dạng hóa cây trồng, chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang các mô hình mới
Hướng đi này đang phát huy hiệu quả cao, giúp hang ngàn nông dân yên tâm làm giàu trên chính những mảnh ruộng và khu vườn cũ của mình.
Ở xã Đức phổ, huyện Cát Tiên Ông Nguyễn Đình Tuyển là nông dân có nhiều năm trồng lúa nước. thế nhưng thu nhập về cơ bản chỉ đủ trang trải cuộc sống hàng ngày, không có dư. Từ năm 2016, cùng như nhiều nông hộ khác ở xã đức phổ, ông Tuyển quyết định chuyển từ lúa nước sang trồng cây ăn quả. Sầu riêng và măng cụt là 2 loại cây cây chính được đưa vào cùng trồng xen trên cùng diện tích hơn 1ha. Vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm…đến nay vùng đất trồng lúa năm nào đã được phủ xanh bởi vườn cây ăn trái trĩu quả. Mỗi năm, 1ha sầu riêng và măng cụt mang lại cho ông Tuyển từ 5 tới 8 trăm triệu đồng.
Từ năm 2016 trở lại đây, việc đa dạng hóa cây trồng ở huyện Cát Tiên diễn ra hết sức nhanh chóng. Từ việc chuyên canh lúa nước, nhiều nông dân đã mạnh dạn đưa vào thử nghiệm nhiều mô hình mà từ trước tới nay ở vùng đất này chưa ai nghĩ tới như trồng cây lấy hạt, cây rau thương phẩm hữu cơ, cây ăn trái theo tiêu chuẩn Vietgap.v.v…. Sau khoảng 5 năm, những mô hình thử nghiệm đều cho kết quả vượt xa mong đợi. Những vườn cây ăn trái, đặc biệt là cả những loại cây vốn lạ với vùng đất này như sầu riêng, măng cụt đều sum suê quả và chất lượng trái cây rất thơm ngon. Ngoài ra đối với những mô hình như trồng rau màu ứng dụng công nghệ cao trong nhà kính nhà lưới dù đang ở giai đoạn sơ khai, nhưng nhiều nông hộ cũng đã thực hiện thành công, điển hình là các mô hình trồng ớt, khổ qua, rau xanh ở các xã Đức Phổ, Tiên Hoàng, Phước Cát, thị trấn Cát Tiên.
Ông Nguyễn Trọng Quả, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cát Tiên cho biết, sau khoảng 5 năm vừa làm vừa rút kinh nghiệm, nhìn chung từ năm 2022 tới những tháng đầu năm 2023 này, nông dân huyện Cát Tiên đã rất tự tin và mạnh dạn chủ động trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Các mô hình thử nghiệm thành công đã cho phép nông dân cũng như cơ quan chức năng thuận lợi hơn trong việc định hướng sản xuất, lựa chọn mô hình phù hợp với tình hình thực tế điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Ngoài khuyến khích nông dân tiếp tục phát triển các mô hình mới trong sản xuất, phá thế độc canh cây lúa, ngành nông nghiệp huyện cũng quan tâm định hướng người dân phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ để nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo tính bền vững của nghề nông.
Đến năm 2023, một tín hiệu vui đã thực sự xuất hiện trong bức tranh sản xuất nông nghiệp của huyện Cát Tiên. Theo khảo sát của ngành nông nghiệp, hiện các cây trồng truyền thống của địa phương là cây điều và lúa nước đang có xu hướng giảm dần diện tích. Song song với đó là sự mở rộng các mô hình cây ăn quả với diện tích trên 1000 ha, cây cà phê gần 600 ha cà phê; 165 ha cao su, rau đậu các loại trên 500 ha, dâu tằm hơn 350 ha, cây lấy hạt trên 30 ha. Ngành nông nghiệp huyện Cát Tiên đang vận động người dân tiếp tục chuyển đổi các diện tích vườn tạp năng suất thấp sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao theo hướng sản xuất hữu cơ, đồng thời tăng cường tham gia các liên kết trong sản xuất để vừa nâng cao thu nhập, vừa đảm bảo phát triển sản xuất theo hướng bền vững./.
Văn Thế