(Lamdongtv.vn) - Tại TP Đà Lạt, Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Vụ Xã hội - Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức hội thảo “Giáo dục, truyền thông và văn hóa an toàn thực phẩm”
Tham gia hội nghị có đại diện một số bộ ngành trung ương có liên quan, Ban Thương mại Phái đoàn EU, đại diện Dự án An toàn thực phẩm vì sự phát triển Canada (SAFEGRO), các chuyên gia Quốc tế về An toàn - Thực phẩm và một số trường đại học, cơ sở đào tạo trong cả nước.
Dự án An toàn thực phẩm vì sự phát triển (SAFEGRO) do Chính phủ Canada viện trợ Việt Nam không hoàn lại được thực hiện trong giai đoạn 2021 -2025. Mục tiêu tổng thể của dự án nhằm Hỗ trợ phát triển và thực thi các quy định về an toàn thực phẩm (ATTP) được xây dựng trên cơ sở khoa học và phương pháp tiếp cận dựa trên phân tích nguy cơ; Hướng tới việc nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm, thúc đẩy thay đổi hành vi trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, gia tăng nhu cầu tiêu thụ nông sản an toàn, giá cả phải chăng ở Việt Nam. Hội thảo “Giáo dục, truyền thông, văn hóa an toàn thực phẩm” được tổ chức nhằm thực hiện các mục tiêu trên với các nội dung được các chuyên gia phân tích về thực trạng, tính cấp thiết của vệ sinh ATTP trong đời sống.
Hội thảo cũng đưa ra các giải pháp thiết thực nhằm nâng cao văn hóa an toàn thực thực phẩm cụ thể như: Hoàn thiện chính sách pháp luật; xây dựng và triển khai Chiến lược giáo dục,truyền thông, xây dựng văn hóa ATTP đến 2030 và triển khai ngay chiến dịch, chương trình chuyên biệt hàng năm về giáo dục, truyền thông gắn với xây dựng văn hóa ATTP; lồng ghép nội dung văn hóa ATTP vào chương trình giáo dục mầm non, tiểu học; rà soát hài hòa quốc tế chương trình đào tạo cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ về hoa học thực phẩm, chất lượng ATTP; chương trình đạo tạo nghề canh tác nông nghiệp, sản xuất, chế biến bảo quản thực phẩm; Tập huấn nhân sự các cấp quản lý, sản xuất kinh doanh thực phẩm về truyền thông, văn hóa ATTP; xây dựng mô hình điểm thực hành qui tắc ứng xử văn hóa ATTP tại các câp độ: hộ sản xuất/hợp tác xã; doanh nghiệp vừa và nhỏ; cơ sở thương mại; nhà hàng/bếp ăn tập thể;hộ gia đình để tổng kết đánh giá nhân rộng. Thông qua hội thảo nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, đạo đức nghề nghiệp, chuyển đổi hành vi, văn hóa an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm.
Từ đó, có bức tranh hiện trạng về công tác giáo dục, truyền thông, văn hóa an toàn thực phẩm, chia sẻ kinh nghiệm và bài học kinh nghiệm các nước về công tác giáo dục, truyền thông, văn hóa an toàn thực phẩm. Thống nhất một số đề xuất giải pháp triển khai công tác giáo dục, truyền thông, chuẩn hóa văn hóa an toàn thực phẩm trong khuôn khổ triển khai hoạt động hỗ trợ của Dự án nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, cải thiện hiệu quả truyền thông và hoàn thiện văn hóa an toàn thực phẩm tại Việt Nam.
Mai An