Cùng lúc với việc phòng chống dịch bệnh Covid-19, các địa phương trong nước lại đang đối mặt với nguy cơ dịch cúm gia cầm bùng phát. Hiện tại dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại Bắc Ninh, Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An và đã tiêu hủy hơn 43 ngàn con gia cầm
Gia Lai tuy được xác định không thuộc địa bàn có nguy cơ cao xảy ra dịch cúm gia cầm, song công tác phòng chống dịch cũng được tỉnh rất quan tâm và đang tập trung triển khai quyết liệt đồng bộ các biện pháp từ cơ sở chăn nuôi đến các hoạt động kiểm tra, kiểm soát hoạt động mua bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm.
Không đợi đến khi có thông tin về dịch cúm gia cầm cũng như các khuyến cáo của cơ quan chuyên môn về tăng cường các biện pháp phòng chống dịch…công việc vệ sinh môi trường, khử trùng, tiêu độc đã được ông Trương Văn Kỳ ở Tổ 12, phường Hoa Lư, thành phố Pleiku thực hiện thường xuyên và thời điểm này lúc này ông chỉ tăng cường thêm số lần phun thuốc khử trùng khu vực chăn nuôi, đảm bảo vệ sinh môi trường chăn nuôi đồng thời kết hợp với một số điều kiện an toàn khác.
Như ông Kỳ, hầu hết các hộ chăn nuôi trên địa bàn phường Hoa Lư cũng khá kinh nghiệm trong công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia cầm. Công tác vệ sinh chuồng trại cho đến đảm bảo nguồn con giống khỏe mạnh…được bà con rất quan tâm trong quá trình chăn nuôi.
Trước những cảnh báo về nguy cơ dịch cúm gia cầm xảy ra, sự chủ động của hộ chăn nuôi trong công tác phòng chống dịch bệnh là điều rất được ghi nhận. Về phía tỉnh, trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có Kế hoạch triển khai Tháng vệ sinh khử trùng, tiêu độc môi trường Đợt 1 năm 2020 và hiện đang được các địa phương trong tỉnh tích cực triển khai thực hiện. Được biết, trong đợt này tỉnh đã xuất cấp hơn 3 ngàn lít hóa chất Benkocid từ nguồn dự trữ của tỉnh cho 17 huyện, thị xã, thành phố cùng với nguồn hóa chất tại địa phương để triển khai đồng loạt công tác vệ sinh, khử trùng, tiêu độc. Thời gian thực hiện từ ngày 7/2 đến ngày 29/2.
Theo thống kê, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có trên 4 triệu con gia cầm. Trong đó phần lớn chăn nuôi theo quy mô gia đình, nhỏ lẻ, phân tán, điều này gây không ít khó khăn cho quá trình kiểm soát dịch bệnh. Vì vậy để công tác phòng chống dịch bệnh đạt hiệu quả, về phía cơ quan chuyên môn đã đưa ra những khuyến cáo, trong đó đặc biệt đề cao ý thức trách nhiệm của hộ chăn nuôi.
Với sự chủ động của hộ chăn nuôi cùng những kinh nghiệm của tỉnh về công tác phòng chống dịch cúm gia cầm trong nhiều năm qua, kết hợp đồng bộ các giải pháp như: Vệ sinh môi trường, khử trùng, tiêu độc, tăng cường kiểm soát việc giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm, Gia Lai sẽ giảm thiểu được các nguy cơ xảy ra dịch bệnh, ổn định phát triển chăn nuôi trên địa bàn.
Phòng Thời sự
Đài PTTH Lâm Đồng