Tin tức

Việt Nam nằm trong 6 nước hàng đầu thế giới về an ninh lương thực

Thứ năm, 19/03/2020 - 08:31

(Lamdongtv.vn) - Sáng ngày 18.3, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết 10 năm thực hiện đề án An ninh lương thực (ANLT) quốc gia

Tham gia hội nghị có các phó thủ tướng, đại diện các bộ ngành và 63 tỉnh thành trong cả nước. Đầu cầu Lâm Đồng có ông Đoàn Văn Việt – Phó bí thư tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh, trưởng đoàn đại biểu quốc hội tỉnh, ông  Trần Đức Quận – Phó bí thư thường trực tỉnh ủy – chủ tịch HĐND tỉnh và đại diện các sở ngành liên quan.
Năm 2009 Chính phủ ban hành Nghị quyết 63 về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Theo đó, các bộ ngành liên quan, trong đó chủ trì là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai tích cực các giải pháp cụ thể để xây dựng quy hoạch,  phát triển sản xuất đảm bảo ANLT quốc gia, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và khoa học công nghệ, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực; Có chính sách hỗ trợ nông dân, địa phương và doanh nghiệp bảo vệ, phát triển đất trồng lúa và đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong công tác đảm bảo ANLT v.v.
Giai đoạn 2009 - 2019 sản lượng lúa tăng từ 39,17 triệu tấn lên 43,4 triệu tấn; bình quân lương thực đầu người tăng từ 497 kg/năm 2009 lên trên 525 kg/năm hiện nay. Đưa Việt Nam vào nhóm 6 nước hàng đầu về chỉ số này và vai trò của Việt Nam trong hỗ trợ ANLT cho các quốc gia khác ngày càng tăng. Đến nay, dự kiến có 14 chỉ tiêu đạt và vượt, đó là: 3 chỉ tiêu về lúa gạo; 2 chỉ tiêu về rau; 2 chỉ tiêu về cây ăn quả; 2 chỉ tiêu về chăn nuôi; 3 chỉ tiêu về thủy sản; 2 chỉ tiêu về đảm bảo khả năng tiếp cận lương thực. Việt Nam có đủ nguồn cung lương thực đa dạng phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng. Tình trạng thiếu dinh dưỡng giảm từ 18,2% trong giai đoạn 2004 - 2006 xuống 10,8% hiện nay. Chế độ ăn uống giảm lượng gạo ăn bình quân từ 132 kg/người năm 2008 xuống còn 96,6 kg/người năm 2018, tăng lượng thịt từ 17 kg/người/năm lên 26 kg/người/năm. Việt Nam không chỉ tự đảm bảo được ANLT, mà còn góp phần đảm bảo ANLT cho nhiều quốc gia khác, mỗi năm xuất khẩu 5-7 triệu tấn gạo. Mặt khác, thu nhập của người dân nông thôn tăng 4,3 lần. Thu nhập người trồng lúa cơ bản đảm bảo có lãi trên 30% , có nơi đạt cao hơn nhiều.

Việt Nam đặt ra mục tiêu đến năm 2030 giữ ổn định khoảng 3,6 triệu ha đất lúa, sản xuất khoảng 35 triệu tấn lúa; sản lượng rau đậu các loại 22 triệu tấn; sản lượng cây ăn quả các loại 10 - 12 triệu tấn; sản lượng thịt hơi các loại 6,6 triệu tấn, sữa tươi 2,3-2,5 triệu tấn. Đảm bảo thu nhập cho người dân nông thôn đến năm 2030 cao hơn 2 lần so với hiện nay. 
Để đạt được mục tiêu trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ ngành cần nghiên cứu đẩy mạnh phát triển, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, nâng cấp và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; Nâng cao trình độ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ; gia tăng chế biến, chú trọng đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đổi mới cơ chế chính sách đối với nông dân, địa phương và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gạo v.v…
Mai An

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Quảng cáo trang nội dung, cột giữa Quảng cáo trang chủ, cột giữa