Tin tức

Xây dựng liên kết sản xuất nguyên liệu Atisô sạch

Thứ năm, 14/05/2020 - 10:57

Lamdongtv.vn - Xây dựng tốt chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân để bảo đảm nguồn nguyên liệu cho sản xuất của doanh nghiệp, ổn định đầu ra sản phẩm cho người nông dân mà còn hướng đến xây dựng quy trình sản xuất sạch từ nhà vườn, nhà máy đến tay người tiêu dùng

Trong thời điểm khó khăn về nguồn nguyên liệu do dịch bệnh Covid-19 như hiện nay thì việc chủ động nguồn nguyên liệu, đặc biệt xây dựng tốt chuỗi liên kết trong sản xuất, nhất là liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân không chỉ bảo đảm nguồn nguyên liệu cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, ổn định đầu ra sản phẩm cho người nông dân mà còn hướng đến xây dựng quy trình sản xuất sạch từ nhà vườn, nhà máy đến tay người tiêu dùng .Đây là vườn Atisô nguyên liệu trồng theo phương pháp hữu cơ Oganic có diện tích trên 5 sào đang cho thu hoạch của gia đình Anh Tùng ở Phường 11, thành phố Đà Lạt. Để xây dựng được mô hình này, trước đó gia đình Anh Tùng đã kết hợp với các chuyên gia của Công ty Ruby Land và Công ty Trà Ngọc Thảo Đà Lạt để tiến hành khảo nghiệm, xây dựng quy trình trồng bằng phương pháp hữu cơ, tuân thủ chặt chẽ từ khâu xử lý đất, nguồn nước, lựa chọn nguồn giống có chất lượng để trồng. Sau gần 8 tháng trồng, mô hình trồng Atisô nguyên liệu này bước đầu cho thu hoạch với năng suất tăng từ 1,5 đến 2 lần so với phương thức trồng truyền thống trước đây, đồng thời chất lượng nguồn nguyên liệu Atisô hầu như được bảo đảm an toàn. 

Anh Tôn Thất Dương Tùng, Phường 11 Đà Lạt : Tôi thấy việc trồng bằng phương thức hữu cơ này rất tốt, rất phù hợp trong xu hướng hiện nay, đặc biệt chỉ sử dụng phân chuồng nên rất tốt.. 
Đại diện Công ty Ruby Land, một trong những đơn vị chuyên nghiên cứu về Atisô tại Đà Lạt cho biết: Atisô là cây trồng khá dài ngày, rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Đà Lạt và khu vực lân cận. Tuy nhiên do trước đây việc sản xuất theo hình thức manh mún, nhỏ lẽ, người nông dân sử dụng rất nhiều thuốc bảo vệ thực vật, chất dinh dưỡng trong đất ngày càng bị thoái hóa, dẫn đến Atisô rất dễ bị bệnh. Với hình thức canh tác hữu cơ, chỉ sử dụng phân chuồng, tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất độc hại, do đó sẽ tăng hàm lượng chất dinh dưỡng trong đất, hạn chế các mầm bệnh phát sinh trong quá trình sinh trưởng của cây.  

Bà Vũ Thị Ngọc Bích, Trưởng nhóm nghiên cứu, Công ty Ruby Land : Chúng tôi thấy rằng hiện nay việc canh tác của nông dân vẫn manh mún, phụ thuộc nhiều thuốc bảo vệ thực vật, do đó chúng tôi mong muốn xây dựng quy trình trồng Atisô theo phương pháp hữu cơ..  

Anh Nguyễn Công Hoán, Phường 7, thành phố Đà Lạt : Nếu trồng như thế này hiệu quả rất cao, cao hơn nhiều so với các cây trồng khác.. 
Thành phố Đà Lạt và vùng lân cận từ lâu được biết đến là vùng sản xuất nông nghiệp nổi tiếng, bên cạnh các mặt hàng chủ lực như rau, hoa thì Atiso như là một trong những cây trồng đặc trưng riêng của địa phương. Thống kê hiện nay Atiso của Đà Lạt đã phát triển trên 100 ha Atisô, được trồng chủ yếu tại Đà Lạt và một số xã của huyện Lạc Dương, Đơn Dương. Ngoài ra địa phương hiện có gần 30 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh dược liệu, với sản phẩm trà Atisô, cao Atisô hết sức giá trị, đây là điều kiện thuận lợi để địa phương xây dựng phát triển các vùng trồng Atisô nguyên liệu. 
Bà Trần Thị Lan, Giám đốc Công ty Ngọc Thảo Đà Lạt : Chúng tôi thấy việc phát triển vùng nguyên liệu rất cần thiết, hiện nay chúng tôi xây dựng các vùng trồng nguyên liệu atiso sạch để cung cấp cho hoạt động sản xuất, bảo đảm nguồn nguyên liệu.. 

Bà Phạm Thị Hà, Công ty Vạn Phúc Đà Lạt : Riêng đối với doanh nghiệp liên kết với các hộ dân để xây dựng vùng trồng atiso, phát triển cây trồng này, thu mua cho bà con nông dân.. 
Tiềm năng lớn, giá trị cao, Atisô Đà Lạt đang từng bước khẳng định trên thị trường trong và ngoài nước. Với điều kiện khí hậu, đất đai thuận lợi, rõ ràng nếu xây dựng tốt các chuỗi liên kết trong sản xuất, nhất là liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân thì đây chính là cơ sở vững chắc để các doanh nghiệp chủ động nguồn nguyên liệu, người nông dân yên tâm đầu ra sản phẩm, tăng thu nhập trên đơn vị diện tích, tạo tiền đề thúc đẩy thương hiệu Atisô của địa phương ngày càng phát triển./.
Hoàng Ái

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Quảng cáo trang nội dung, cột giữa