Vùng nuôi tôm vịnh Xuân Đài nhiều năm qua thường xuyên đối mặt với rủi ro do ô nhiễm môi trường. Vài năm gần đây, cùng với việc triển khai công tác quản lý chất thải trong quá trình nuôi tôm, một giải pháp được xem là hiệu quả kép, giúp giảm thiểu ô nhiễm và tiết kiệm được chi phí thức ăn đó là nuôi hàu trên đầm vịnh kết hợp nuôi tôm hùm
Vùng nuôi tôm trọng điểm Vũng Chào thuộc xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu. Trên mặt nước, bên cạnh những lồng, bè nuôi tôm hùm là những bè hàu sống. Thức ăn cho tôm hùm trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát cũng chính là hàu. Nhờ vậy mà người nuôi giảm được chi phí, cầm cự qua mùa dịch.
Tại Sông Cầu, thời điểm tôm hùm xuống giá thê thảo do không xuất khẩu được, phương pháp được nhiều người áp dụng để giữ đàn tôm đó là sử dụng hàu sống được thả nuôi ngay trong vùng nuôi để cho tôm hùm ăn. Bên cạnh tự chủ nguồn thức ăn sạch tại chỗ, cái được lớn nhất từ nuôi hàu mà người dân nào cũng thấy được đó là cải tạo môi trường nước.
Để đầu tư một bè hàu như thế này, nếu bằng tre người dân cần khoảng 10 triệu đồng, nếu làm bằng cây cồn, có tuổi thọ cao hơn thì chi phí có thể lên đến 20-30 triệu. Là dòng nhuyễn thể hai mảnh vỏ, khi bè được thả xuống đầm, hàu tự nhiên cứ thể bám vào các dây treo và lọc những thành phần hữu cơ lơ lửng trong nước để phát triển. Bởi thế các nhà khoa học ví hàu như "máy lọc nước sinh học".
Những năm trước, mùa nắng nóng, vùng nuôi tôm Vũng Chào màu nước thay đổi liên tục, có khi chuyển sang đỏ quạch do ô nhiễm thì nay, với sự có mặt của những bè hàu, môi trường nước khu vực này đã cải thiện rõ rệt. Nước trong nhìn thấu đáy. Dịch bệnh vì thế cũng ít phát sinh hơn. Vấn đề còn lại là phải tính toán mật độ bè hàu trong từng vùng nuôi hợp lý, nhằm phát huy tối đa tác dụng cải thiện môi trường và hạn chế xung đột với các hoạt động kinh tế khác trong đầm, vịnh./.
Phòng Thời sự
Đài PTTH Lâm Đồng