Tin tức

Ổn định sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp vùng Tây Nguyên

Thứ sáu, 10/07/2020 - 10:12

(Lamdongtv.vn) - Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ NN&PTNT và Tỉnh ủy Lâm Đồng tổ chức hội nghị đánh giá phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, đời sống người dân sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp vùng Tây Nguyên

Ông Cao Đức Phát - Ủy viên Trung ương Đảng - Phó trưởng Ban thường trực Ban kinh tế Trung ương; Ông Hà Công Tuấn - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT; Ông Trần Đức Quận - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng tham dự lãnh đạo chính quyền, các ngành, đơn vị chủ rừng các tỉnh Tây Nguyên; các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực nông - lâm nghiệp.
       Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Đức Quận, đã thông tin chung về tình hình kinh tế, xã hội và diện tích đất lâm nghiệp ở Lâm Đồng thời gian qua. Đặc biệt công tác bảo vệ rừng gắn với việc quản lý diện tích đất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp đang được người dân sản xuất. Để ổn định diện tích đất sản xuất vùng rừng, những năm qua, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương tập trung tuyên truyền, vận động người dân tổ chức trồng xen canh đã tạo ra hiệu quả kinh tế, đồng thời đảm bảo độ che phủ rừng và ổn định an ninh trật tự vùng rừng. Tuy nhiên, bài toán ổn sản xuất nông – lâm từ rừng hiện nay cũng đặt ra nhiều vấn đề cần phải tính đến, vì vậy những nội dung được bàn tại hội nghị này sẽ tháo gỡ những vướng mắc cho các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Lâm Đồng nói riêng, với các giải pháp hiệu quả, từng bước để ổn định tình hình sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân vùng rừng.
       Theo báo cáo của Bộ NN&PTTN, toàn vùng Tây Nguyên hiện có trên 2,5 triệu ha rừng, trong đó rừng tự nhiên chiếm hơn 2,1 triệu ha, số còn lại là rừng trồng, độ che phủ rừng đạt vùng đạt 44,84%. Theo số liệu công bố hàng năm của Bộ NN&PTNT diện tích rừng Tây Nguyên đã mất khoảng 0,314 triệu ha trong giai đoạn 2010 - 2019, tốc độ mất rừng tự nhiên trung bình vào khoảng 46,267 ha/năm. Đến cuối năm 2019, các tỉnh Tây Nguyên có tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên đất quy hoạch lâm nghiệp là 344.554 ha, chiếm hơn 11,31% diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp. Tất cả diện tích này được người dân sản xuất trên đất rừng phòng hộ, đặc dụng và rừng sản xuất các loại cây công nghiệp, cây ăn trái và cây nông nghiệp… Nguyên nhân dẫn đến tồn tại này, theo Tổng cục lâm nghiệp – Bộ NN&PTNT, sự tồn tại lâu năm, rừng và đất lâm nghiệp nằm xen kẻ với khu vực sản xuất lương thực, cùng với đó tình hình di cư tự do, người dân đến định cư, sinh sống chủ yếu ở vùng rừng, nhu cầu thu nhập, đời sống kinh tế…. dẫn đến phá rừng trái phép, canh tác sai mục đích, phá vỡ quy hoạch… 

        Đối với Lâm Đồng, hiện có khoảng 52.000ha đất lâm nghiệp đang được người dân sản xuất nông nghiệp. Toàn bộ diện tích này chủ yếu thuộc sự quản lý của 8 Công ty lâm nghiệp và một số chủ rừng. Những năm qua, Tỉnh ủy - UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường quản, đồng thời vận động nhân dân và các đơn vị liên quan tổ chức trồng xen cây công nghiệp, vừa tạo độ che phủ, vừa nâng cao giá trị kinh tế từ vùng rừng, tuy nhiên để giải quyết bài toán này về lâu dài cần có chính sách, cơ chế và quy định cụ thể. Lâm Đồng phấn đấu đến năm 2025 sẽ trồng hoàn thành 20.000ha xen canh theo hướng nông - lâm kết hợp, kinh phí sản xuất chủ yếu tự người dân bỏ ra. Đối với diện tích còn lại, sau khi có quy định cụ thể Lâm Đồng tiếp tục triển khai, sớm đảm bảo quyền lợi sản xuất cho người dân và ổn định với quy hoạch vùng rừng.
Nhiều ý kiến của các nhà khoa học, đơn vị nghiên cứu, chính quyền và các đơn vị chủ rừng tại hội nghị đã đánh giá, phân tích cụ thể, trong đó tập trung kiến nghị và đặt ra vấn đề đặc thù của từng vùng, cũng như thực trạng, đó là: Hiện nay tình hình sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp ở Tây Nguyên đã và đang diễn ra ở mức cao, kéo dài nhiều năm, liên quan đến thực thi, chấp hành pháp luật về lâm nghiệp, đất đai, dân cư, hộ tịch, hộ khẩu, tổ chức chính quyền địa phương, để lại nhiều hệ lụy, gây bức xúc xã hội; nhiều ý kiến cũng cho rằng, phức tạp nhất là ảnh hưởng đến suy giảm tài nguyên rừng, tác động đến đời sống dân di cư tự do và trật tự vùng Tây Nguyên.

Cũng theo nghiên cứu của Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam, muốn thực hiện tốt thì cần có cơ chế, chính sách thực thi. Vấn đề không chỉ giải quyết tồn tại hiện nay, về lâu dài sẽ tạo sự đồng bộ, bền vững gắn với công tác quản lý rừng và đất lâm nghiệp hiệu quả.
Kết luận hội nghị, Phó trưởng Ban thường trực Ban kinh tế Trung ương Cao Đức Phát, khẳng định những đánh giá, kiến nghị của các cơ quan, đơn vị, chủ rừng, cũng như các nhà khoa học, nhà nghiên cứu về lâm nghiệp đã phản ánh khá rõ tình hình quản lý, bảo vệ rừng và hiện trạng sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp của các địa phương vùng Tây Nguyên hiện nay. Trên cơ sở vấn đề đặt ra, Ban kinh tế Trung ương sẽ phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tiếp tục nghiên cứu, đề xuất Đảng, Nhà nước có giải pháp tháo gỡ, giải quyết bài toán căn cơ để từng bước ổn định sản xuất của người dân vùng rừng, đồng thời đảm bảo và giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội vùng rừng nói riêng và vùng Tây Nguyên nói chung./.
Mạnh Thành

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Quảng cáo trang nội dung, cột giữa Quảng cáo trang chủ, cột giữa