(Lamdongtv.vn) - Mỗi bạn đảm nhận một nhiệm vụ 03 người là 03 chuyên gia trên các lĩnh vực nên đã tạo nên ưu thế lớn cho việc phát triển thương hiệu cà phê của mình.
Di Linh là vùng đất Bazan màu mỡ, có diện tích cà phê lớn nhất của tỉnh Lâm Đồng, để đưa sản phẩm cà phê chất lượng của Di Linh phát triển trên thị trường, có những bạn bạn trẻ đã dành tâm huyết xây dựng thương hiệu cà phê sạch, chất lượng cao, từng bước thay đổi thói quen canh tác và chế biến cà phê của người dân trồng cà phê trên địa bàn..Ở xã Hòa Bắc huyện Di Linh người dân đã dần làm quen với cách trồng và sản xuất cà phê sạch theo hướng hữu cơ của 3 bạn trẻ là Đỗ Duy Tùng, Phạm Vinh Quang và Đinh Văn Đông. Với tâm huyết xây dựng chuỗi cà phê sạch, chất lượng và an toàn phục vụ thị trường đặc biệt là thay đổi thói quen lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và các loại phân bón vô cơ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người và môi trường sống, nhóm bạn trẻ này đã bắt tay vào trồng, sản xuất và chế biến cà phê sạch theo hướng hữu cơ. Mỗi bạn đảm nhận một nhiệm vụ nếu như Đỗ Duy Tùng phụ trách về thị trường, phân phối sản phẩm thì Phạm Vinh Qang lại đảm nhận khâu rang xay,chế biến, còn Đinh Văn Đông là người phụ trách chăm sóc vườn theo đúng chuẩn hữu cơ. 03 người là 03 chuyên gia trên các lĩnh vực nên đã đã tạo nên ưu thế lớn cho việc phát triển thương hiệu cà phê của mình.
Để đảm bảo sản phẩm cà phê chất lượng và an toàn thì khâu trồng và chăm sóc, thu hoạch trái phê là yêu tố then chốt tạo nên giá trị của cà phê sạch. Do đó, hơn 20 ha cà phê gồm Rubusta và Arabica mà 03 bạn trẻ này đang sở hữu được trồng tuân thủ nghiêm ngặt theo chuẩn hữu cơ bằng cách không sử dụng bất cứ một loại hóa chất nào để chăm sóc cây cà phê thay vào đó là sử dụng các loại nấm, men vi sinh ủ với các loại cỏ, lá cây, vỏ cà phê để vừa tăng thêm độ ẩm, vừa tạo thành phân hữu cơ bón cho cây trồng. Cách làm này đã góp phần tiết kiệm chi phí, chống xói mòn đất, giảm ô nhiễm môi trường.
Việc xuất khẩu cà phê của Lâm Đồng nói riêng và Việt Nam nói chung đang phải đối mặt với tình trạng tồn dư các loại thuốc bảo vệ thực vật và thường xuyên bị đổi tác trả hàng. Do đó, việc sản xuất cà phê sạch theo hướng an toàn thân thiện với môi trường đang là cách mà địa phương Di Linh tuyên truyền đến người trồng cà phê. Và cách làm hiệu quả của 03 ở xã Hòa Bắc là minh chứng rõ nét nhất để dần thay nhận thức của người dân. Hiện nay, địa phương đang tiến hành xây dựng hợp tác xã để nhân rộng cách trồng sản xuất chế biến cà phê theo hướng hữu cơ của 03 bạn trẻ.
Sản xuất khoảng 10 tấn cà phê sạch mỗi năm, bán với giá 180 ngàn đồng/kg đến 250 ngàn đồng/kg, sản phẩm cà phê sạch này đang bước chinh phục thị trường và được nhiều người biết đến. Nhưng điều mà 03 chàng thanh niên trẻ này tâm đắc và xem như thành công lớn nhất đó là họ đã mang đến cách làm mới, cách canh tác và sản xuất mới từ sản phẩm cà phê vốn thân thuộc với người dân tại địa bàn, từ đó giúp người dân dần thay đổi thói quen canh tác đảm bảo tính bền vững thân thiện môi trường và được thưởng thức những sản phẩm cà phê chất lượng cao do chính mình làm ra./
Lô Thanh