Xã hội hóa y tế là một chủ trương nhằm thu hút các nguồn lực xã hội để giảm bớt gánh nặng ngân sách nhà nước, góp phần tăng nguồn vốn đầu tư kỹ thuật, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đáng ghi nhận, việc thiếu minh bạch trong tài sản công - tư và tự chủ tài chính tại các bệnh viện công… đang làm ảnh hưởng đến ý nghĩa và hiệu quả của chủ trương này.
Mỗi năm Việt Nam có khoảng 40.000 người ra nước ngoài chữa bệnh, tiêu tốn trên 2 tỷ USD.Tuy nhiên những năm gần đây, chi phí này đã bắt đầu giảm dần. Cùng với nhiều giải pháp thì tay nghề của các bác sỹ và việc xã hội hóa đầu tư các trang thiết bị y tế hiện đại sánh ngang với nhiều quốc gia đã giữ chân người bệnh điều trị ở trong nước.
Thế nhưng đằng sau việc thực hiện chủ trương này đang bộc lộ nhiều mặt trái đó là sự trục lợi cho một lợi ích nhóm mà câu chuyện tại bệnh viện Bạch Mai chỉ là một ví dụ không phải đầu tiên mà cũng chưa kết thúc.
Theo các chuyên gia, có 3 yếu tố cấu thành cho hoạt động khám chữa bệnh của người dân đó là: thầy thuốc, thuốc và trang thiết bị y tế. Trong đó chúng ta đã có Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Dược đã trải qua nhiều lần dự thảo, sửa đổi còn trang thiết bị y tế mới chỉ dừng lại ở các nghị định. Đây là một lỗ hổng trong hành lang pháp lý khiến cho giá của mặt hàng này đang bị phụ thuộc vào thị trường và đấu thầu dẫn đến tình trạng trục lợi thậm chí nhiều bệnh viện sợ sai mà không dám làm.
Công khai, minh bạch dựa trên hành lang pháp lý, lấy ý kiến của tập thể và những người có chuyên môn, nhiều chuyên gia cho rằng đây là những yếu tố cần thiết để thực hiện tự chủ và xã hội hóa thiết bị y tế từ bài học bệnh viện Bạch Mai.
Cần có một chính sách xã hội hóa đúng đắn với hành lang pháp lý chặt chẽ để ngành y vẫn phát triển tốt về chuyên môn kỹ thuật để mọi người dân đều được hưởng lợi từ sự phát triển ấy là điều cần phải làm ngay cho dù là muộn. Có như vậy những câu chuyện trục lợi, nâng khống như ở bệnh viện Bạch Mai mới không lặp lại./.
Phòng Thời sự
Đài PTTH Lâm Đồng