Tin tức

Lạc Dương: Người trồng Atiso gặp khó khăn

Thứ tư, 18/11/2020 - 10:13

(Lamdongtv.vn) - Thời gian đầu mô hình mang lại hiệu quả khá, giúp người dân có thu nhập ổn định.Tuy nhiên từ đầu năm 2020 đến nay, hầu hết các gia đình trồng Atiso ở Lạc Dương đều thất thu, nhiều gia đình chuyển sang các loại cây trồng khác.

Từ năm 2018 tới nay, gần 100 nông hộ ở huyện lạc dương đã tham gia vào mô hình liên kết sản xuất Atiso với công ty Ladopha. Thời gian đầu mô hình mang lại hiệu quả khá, giúp người dân có thu nhập ổn định.Tuy nhiên từ đầu năm 2020 đến nay, hầu hết các gia đình trồng Atiso ở Lạc Dương đều thất thu, nhiều gia đình chuyển sang các loại cây trồng khác. 
 
Năm 2018, thực hiện mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp, khoảng 40 nông hộ trên địa bàn huyện Lạc Dương đã tham gia ký hợp đồng với Công ty Ladophar trồng Atiso. Giai đoạn đầu, trung bình một năm mỗi sào Atiso mang lại cho người dân vài ba chục triệu đồng. Kết quả này đã tạo niềm tin và nhanh chóng thu hút gần 100 nông hộ mạnh dạn tham gia liên kết trồng Atiso. Tuy nhiên từ đầu năm 2020 đến nay, mô hình trồng Atiso đã không mang lại hiệu quả, ngoài sâu bệnh và sản lượng thấp, việc thu mua sản phẩm đầu ra không ổn định đã khiến nhiều gia đình không có nguồn thu. 

Chị Nguyễn Thị Phương xã Lát huyện Lạc Dương : Ban đầu trồng thì cũng hiệu quả. Sau đó năng suất giảm dần. có mấy tháng liền công ty không thu mua. Từ đầu năm 2020 đến nay làm Atiso lỗ nên chúng tôi bỏ vườn. Chắc giờ không trồng Atiso nữa. 
Anh Du Sep, xã Lát huyện Lạc Dương nói : Tôi cũng trồng Atiso liên kết chuỗi nhưng không hiệu quả. Không bán được. 
          Ngoài nguyên nhân do cây giống Atiso phát triển không tốt, sản phẩm thu hoạch không đạt chất lượng… thì theo các hộ dân, việc công ty gián đoạn thu mua Atiso nguyên liệu đã khiến nông dân phải nhổ bỏ để trồng cây khác. Một số hộ cố gắng duy trì thu hoạch bán trôi nổi được đồng nào hay đồng đó.

Chị K’Sáu xã Đạ Sar huyện Lạc Dương nói : Các năm trước thì công ty mua, bà con cũng có lợi nhuận. Sau này có lúc thì mua lúc thì dừng, lúc thì nói do sửa chữa nhà máy, lúc nói do sản phẩm có dư lượng thuốc trừ sâu...nên không mua. Nhìn chung bà con trồng Atiso không có lời. 
Anh K’Rang, xã Đạ Sar huyện Lạc Dương nói : Mình trồng Atiso bỏ chi phí chăm sóc nhưng thu không đủ bù vào… có lúc thì thu hoạch xong mà công ty không thu mua thì nông dân phải tự bán.Nói chung làm không có lời…
Phòng Nông nghiệp huyện Lạc Dương cho biết, rút kinh nghiệm từ thực tế, thời gian tới, ngoài hỗ trợ về kỹ thuật, đơn vị sẽ kêu gọi thêm những công ty, doanh nghiệp có kinh nghiệm và uy tín về địa phương tham gia chuỗi liên kết trồng Atiso. Điều này sẽ giúp các nông hộ có quyền lựa chọn đơn vị đáp ứng yêu cầu sản xuất bền vững cũng như đảm bảo được lợi ích của người nông dân trong chuỗi cung ứng.  

Ông Hoàng Xuân Hải, Trưởng Phòng Nông nghiệp và phát triển thôn thôn huyện Lạc Dương cho biết : Chuỗi liên kết trồng Atiso cũng chưa hiệu quả. Một phần do người dân cũng chưa có kỹ thuật nên quá trình canh tác sản phẩm kém chất lượng. Thời gian tới để tránh độc quyền trong liên kết thì chúng tôi cũng đã và đang kêu gọi các doanh nghiệp như Vĩnh Tiến, Ngọc Duy cùng tham gia vào chuỗi liên kết trồng Atiso để giúp người dân có thể yên tâm cùng tham gia với công ty trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. 
     Liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất Atiso nói riêng đang là hướng đi tất yếu. Tuy nhiên, để đảm bảo cả hai yếu tố là hiệu quả kinh tế và tính bền vững thì cả doanh nghiệp lẫn người nông dân đều cần có sự ràng buộc bằng những quy định cụ thể trong việc hỗ trợ, chia sẻ lợi ích và cả trách nhiệm khi tham gia chuỗi liên kết. Có như vậy thì các mô hình liên kết nói chung trong đó có liên kết sản xuất và tiêu thụ Atiso ở Lạc Dương nói riêng mới phát huy được hiệu quả mong muốn./.
Văn Thế

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

TT OK Quảng cáo trang nội dung, cột giữa