(Lamdongtv.vn) -Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 61 Trung ương đã tổ chức hội nghị toàn quốc đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Kết luận số 61 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số 673 của Thủ tướng Chính phủ
Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án 61, cùng lãnh đạo TW Hội Nông dân, Ban dân vận TW, các bộ, ngành đã tham dự. Tại đầu cầu tỉnh Lâm Đồng có ông Trần Đình Văn, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy; ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo hội nông dân tỉnh cùng các sở ngành liên quan.
Báo cáo cho thấy, trong 10 năm thực hiện Kết luận số 61/2009 của Ban Bí thư đã tạo nguồn lực to lớn, là điều kiện, phương tiện để các cấp Hội ND tiến hành có hiệu quả các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, dạy nghề cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh; các phong trào thi đua của Hội ND phát triển cả bề rộng và chiều sâu. Các cấp Hội tập trung chỉ đạo, tuyên truyền vận động hội viên, nông dân đăng ký thực hiện và hằng năm bình quân có hơn 6,5 triệu hộ đăng ký, trong đó có trên 3,6 triệu hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp (đạt 138,4% so với mục tiêu đề án). Chất lượng phong trào được nâng lên với trên trên 27.000 hộ nông dân có thu nhập trên 1 tỷ đồng, trên 505.000 hộ thu nhập từ 300 triệu đến 1 tỷ đồng, trên 775.000 hộ thu nhập từ 200 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng, trên 2,2 triệu hộ có thu nhập từ 100 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng đã giúp trên 220.000 hộ nghèo về vật tư nông nghiệp, ngày công lao động, tiêu thụ sản phẩm... trị giá trên 4.800 tỷ đồng. Đồng thời các hộ này cũng tạo việc làm tại chỗ cho hơn 11 triệu lao động; giúp cho trên 1 triệu hộ nghèo có thêm nguồn lực để phát triển sản xuất, 100.000 hộ nông dân thoát nghèo, vươn lên làm ăn khá giả, giàu có. Phong trào đã góp phần nâng cao thu nhập cho cư dân ở nông thôn từ mức 9,15 triệu đồng/người (năm 2008) lên mức 35,88 triệu đồng/người (năm 2018) tăng gấp 3,92 (đạt 156,8% so với mục tiêu đề án). Trong 10 năm qua, mặc dù còn khó khăn về ngân sách nhưng Chính phủ đã cấp 660 tỷ đồng bổ sung Quỹ HTND T.Ư; 63 tỉnh, thành phố đã cấp bổ sung cho Quỹ HTND các cấp ở địa phương trên 1.980 tỷ đồng; nâng tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn hệ thống Hội đến nay đạt trên 3.624 tỷ đồng đã giúp trên 568.000 lượt hộ nông dân gia các dự án nhóm hộ xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh. Hằng năm, các cấp Hội vận động trên 9,8 triệu hộ nông dân đăng ký, trong đó có 9,1 triệu hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”.
Đến nay, cả nước có 55 tỉnh, thành phố đã bố trí mặt bằng xây dựng Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân; 42 tỉnh, thành phố đã bố trí biên chế sự nghiệp cho Trung tâm Hỗ trợ nông dân. Trong 10 năm qua, Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam và 33 Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân các tỉnh, thành Hội đã đào tạo nghề cho hơn 21 ngàn học viên. Tại Lâm Đồng, tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân gần 49 tỷ đồng, đã quay vòng cho 194 dự án, 2.750 hộ nông dân được vay vốn. Trong 10 năm, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức hơn 6.400 buổi tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 500 ngàn lượt hội viên nông dân tham gia. Hàng năm có gần 60.000 hộ nông dân đạt tiêu chuẩn hộ sản xuất kinh doanh giỏi. Nông dân Lâm Đồng tích cực tham gia xây dựng NTM với việc đóng góp trên 164 tỷ đồng; gần 156 ngàn ngày công lao động để thi công các công trình nông thôn. Bằng những việc làm thiết thực và cụ thể, tổ chức Hội nông dân Lâm Đồng đã khẳng định được vị trí, vai trò của mình, đã thu hút tập hợp ngày càng đông đảo nông dân vào Hội, đến nay toàn tỉnh có hơn 166 ngàn hội viên, đạt 87% so với tổng số hộ nông nghiệp. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đề án 61 vẫn còn một số hạn chế như: công tác tuyên truyền chưa sâu, rộng. Một số địa phương chưa quan tâm bố trí ngân sách cho Quỹ Hỗ trợ nông dân. Chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân với các sở, ngành ở một số nơi còn chưa đáp ứng đúng yêu cầu. Việc thực hiện giám sát, phản biện xã hội và các vấn đề liên quan đến nghiên cứu chính sách phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới còn hạn chế, lúng túng.
Vì vậy trong thời gian tới, Ban chỉ đạo đề án 61 tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; chủ động làm việc với Bộ Tài chính và đề nghị Ủy ban nhân dân các địa phương cấp bổ sung ngân sách cho Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp. Tiếp tục nghiên cứu, rà soát các cơ chế, chính sách còn bất cập liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn để đề xuất với Quốc Hội, Chính phủ. Hội nghị cũng đã nêu lên một số kiến nghị như: Đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm bổ sung ngân sách hàng năm cho Quỹ Hỗ trợ nông dân; bố trí kinh phí để Hội Nông dân Việt Nam hoàn thành việc xây dựng mới và đầu tư nâng cấp các Trung tâm Hỗ trợ nông dân cấp tỉnh. Chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương tiếp tục phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam, chỉ đạo ngành dọc ở địa phương phối hợp với Hội nông dân Việt Nam cùng cấp trong việc triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội ở các địa phương./.
Mai An