Tin tức

Trồng cà phê theo hướng hữu cơ trong đồng bào DTTS

Thứ năm, 17/12/2020 - 06:17

Với bà con DTTS ở nhiều địa phương trong tỉnh Gia Lai, phát triển cây trồng, trong đó có cây cà phê từ nhiều năm nay vẫn theo lối truyền thống; tức là sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu

Tác hại đối với môi trường là điều thấy rõ nhất từ phương thức sản xuất này, thế nhưng hiệu quả kinh tế mang lại cũng không cao vì năng suất và chất lượng cây trồng đạt thấp. Trước thực tế này, trong vài năm trở lại đây, nhiều diện tích cà phê của bà con DTTS đã dần được chuyển sang trồng theo hướng hữu cơ trên cơ sở áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm hướng đến xây dựng một vùng trồng và chế biến cà phê sạch, nâng cao giá trị cho cây cà phê. 
Với diện tích 1,5ha cà phê của gia đình chính thức tham gia sản xuất theo chuẩn UTZ từ năm 2019 với sự hỗ trợ của Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Lam Anh; anh Xuân ở thôn Groi Wết, xã Glar, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai dự tính năng suất của vườn cà phê năm nay sẽ tăng hơn nhiều so với những năm trước đây. Tất cả đều nhờ vào những thay đổi trong quy trình chăm sóc cà phê theo hướng hữu cơ này. Đó là quá trình canh tác cà phê hữu cơ luôn được kiểm soát chặt chẽ các yếu tố, đảm bảo nguồn nước và đất sạch, không nhiễm hóa chất để cây thuận lợi phát triển. 
Anh Xuân - Thôn Groi Wết, xã Glar, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai nói :Trước đây khi mà làm theo truyền thống, ai biết sao làm vậy thì thu nhập nói chung rất là thấp; 01 ha tầm khoảng một tấn mấy nhân thôi. Từ 2019 trở lại đây khi mình vào HTX để có kỹ thuật làm thì bây giờ thấy nó hiệu quả hơn nhiều; năng suất khả năng dự tính năm nay tăng gấp đôi. 

Thay đổi tư duy nhận thức trong trồng cà phê, mà đặc biệt từ khi tham gia làm thành viên liên kết của Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Lam Anh ở thôn Ktu, xã Glar; nhiều bà con DTTS trồng cà phê ở địa phương đã bắt đầu làm quen cũng như thấy được những lợi ích thiết thực mang lại từ việc phát triển cà phê theo hướng hữu cơ. Được trực tiếp hướng dẫn, chuyển giao và thay đổi tập quán canh tác ngay trên vườn cà phê của mình; và một điều quan trọng đó là được hợp tác xã bao tiêu sản phẩm đầu ra nên nhiều bà con đã không còn phải lo lắng với điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” như trước đây nữa. Từ đó bà con DTTS trồng cà phê ở xã Glar đã yên tâm áp dụng các quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ và tin tưởng vào sự phát triển bền vững của mô hình này.
Anh Simôn - Thôn 2, xã Glar, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai nói : Từ khi vào HTX liên kết, so với trước đây làm thì thuận lợi hơn về mặt kỹ thuật; phun thuốc thì cũng hạn chế. Trước đây thì mình phun thuốc không quản lý được//đất thì trước đây mình sử dụng thuốc trừ cỏ, nhiều khi năm sau mất mùa. Còn từ khi tham gia hộ liên kết thì thấy đất canh tác tốt hơn. 

Ông Bùi Quang Thoại - Phó Chủ tịch UBND xã Glar, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai cho biết : Qua việc tuyên truyền vận động để họ tham gia vào các tổ hợp tác, HTX thì người dân cũng đã nhận thức được tầm quan trọng vì cây cà phê là cây chủ lực về nguồn kinh tế cho người dân trên địa bàn thì những hộ chưa tham gia thấy các hộ tham gia thì người ta cũng đã nhận thức được tầm quan trọng trong việc canh tác về kỹ thuật và áp dụng các biện pháp KHKT tiên tiến, hiện đại hơn. 
Sản xuất cà phê trong những năm gần đây gặp không ít khó khăn do sự thay đổi bất thường của điều kiện thời tiết khí hậu (như hạn hán, mưa trái mùa) cộng với giá cả thấp, trong khi các chi phí đầu vào (như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…) tăng đã khiến người trồng cà phê càng gặp nhiều khó khăn. Sản xuất theo hướng hữu cơ sẽ giúp người trồng cà phê tiết giảm được chi phí đầu vào khi hạn chế sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Điều này đồng thời cũng góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường cho đất đai; tác động thuận lợi trở lại cho sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ. Và trong giai đoạn triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới gắn với thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) thì những sản phẩm cà phê từ những vườn cà phê sản xuất theo hướng hữu cơ của bà con DTTS ở xã Glar, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai sẽ là cơ hội, là hướng đúng đắn để thực hiện thành công chương trình này và phát triển cà phê ở địa phương ngày càng bền vững./.
Phòng Thời sự
Đài PTTH Lâm Đồng

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Quảng cáo trang nội dung, cột giữa