(Lamdongtv.vn) - Không tốn nhiều công chăm sóc, vốn đầu tư thấp, và đảm bảo thu nhập hằng ngày, đó là nhận định chung của những người nuôi chim cút tại tỉnh Lâm Đồng
Chính vì vậy, để đa dạng hóa nguồn thu nhập, bên cạnh việc ứng dụng công nghệ và năng suất trong trồng trọt, nhiều người nông dân đã chuyển sang nghề chăn nuôi chim cút và đang cho thu nhập rất ổn định.
Chăm chỉ phát triển sản xuất, dám nghĩ, dám làm, nhiều nông dân tại xã Hòa Ninh, huyện Di Linh luôn tìm một hướng đi mới, phù hợp cho bản thân mình, trong đó có vợ chồng chị Ngô Thị Ngọc Ánh. Từng trải qua thăng trầm trong cuộc sống với nhiều nghề như sửa xe, chạy xe đường dài, trồng trọt cà phê, vợ chồng anh chị lại một lần nữa quyết tâm vươn lên trong cuộc sống từ trang trại chim cút. Bắt đầu với một trại nuôi chim cút nhỏ, qua 3 năm gắn bó với nghề, hiện nay số chim cút tại trang trại của chị là 21.000 con, trừ đi chi phí thức ăn và thuốc bổ cho chim, mỗi ngày chị thu nhập từ trên 2 triệu đồng tiền trứng. Với những thành quả hiện nay, vợ chồng chị Ánh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho những nông dân muốn phát triển kinh tế từ loại gia cầm này.
Chị Ngô Thị Ngọc Ánh - xã Hòa Ninh, huyện Di Linh cho hay: ai muốn tìm hiểu về nghề này mình sẵn sàng chỉ. Ngày xưa mình cũng phải xuống tận làng chim cút ở Bảo Lộc để tìm hiểu mà. Mình sẽ tư vấn về giống, về cách nuôi, về thuốc men cho chim. Nói chung là giúp người ta ước lượng được chi phí thấp nhất trong sản xuất để họ về có thể hiểu được. Ngoài ra cũng tư vấn thu nhập từ trứng, từ thịt, từ phân chim cho người dân.
Cũng tần tảo, chịu thương chịu khó như vợ chồng chị Ngô Thị Ngọc Ánh, bên cạnh trồng cà phê, vợ chồng chị Đinh Thị Huệ, xã Tân Lạc, huyện Bảo Lâm luôn chủ động trong việc chuyển đổi cơ cấu vật nuôi thích ứng với tình hình thực tế và đáp ứng với nhu cầu của thị trường. Bắt đầu từ việc tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm của các hộ nuôi chim trên địa bàn huyện, năm 2015, gia đình chị Huệ đã mạnh dạn đưa chim cút về nuôi thử nghiệm tại vùng đất Tân Lạc. Vượt qua những e ngại ban đầu, bằng quyết tâm và sự kiên trì, gia đình chị Huệ đã chứng minh nghề nuôi chim cút vẫn có thể phát triển trên vùng đất xưa nay được ưu tiên để phát triển cà phê. Theo chị Huệ đánh giá, việc nuôi chim cút giúp tăng thêm thu nhập trong những lúc rảnh rỗi và có thêm vốn đầu tư cho vườn cà phê của gia đình.
Chị Đinh Thị Huệ - xã Tân lạc, huyện Bảo Lâm cho biết : Ban đầu mình đi đến Lộc Nga thấy người ta nuôi chim cút cũng nhiều, thế nên hai vợ chồng cũng bàn nhau thử làm. Lúc đầu làm thì không có biết kinh nghiệm nên làm cũng khó lắm, nói chung để trứng có đều không dễ. Mình phải chịu khó theo dõi nhiều nhưng được cái thu trứng có khoảng thời gian nên trong thời gian đó mình lại đi chăm vườn cà phê
Phát biểu của bà Phạm Thị Ánh - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tân Lạc, huyện Bảo Lâm : Quá trình đô thị hóa đang diễn ra khá nhanh, diện tích đất nông nghiệp đã bị thu hẹp dần. Địa phương đang khuyến khích phát triển các mô hình ít tốn đất như nuôi chim cút, hiệu quả kinh tế khá cao. Toàn xã hiện có trên 200 hộ nuôi chim cút. Trong số đó, không ít hộ vươn lên thoát nghèo, làm giàu từ loài gia cầm này với thu nhập hàng năm từ 300 - 400 trăm triệu/ năm
So với những mô hình chăn nuôi khác, mô hình nuôi cút ổn định hơn rất nhiều, lại đầu tư vốn không lớn, nguồn vốn quay vòng nhanh nên đây được xem là vật nuôi giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo. Chim cút dễ nuôi là vậy, nhưng để nuôi số lượng lớn, cho số lượng trứng ổn định là chuyện không hề đơn giản, đòi hỏi người dân phải luôn tập trung theo dõi, chịu khó chăm sóc, đặc biệt khâu tiêu độc khử trùng hết sức quan trọng, phải triển khai thường xuyên. Từ đó, phòng tránh dịch bệnh lây lan trên đàn gia cầm, đảm bảo nền nông nghiệp bềnh vững tại địa phương./.
Phương Trà