Tin tức

Ngành nông nghiệp vượt qua khó khăn đạt mục tiêu đề ra

Thứ sáu, 25/12/2020 - 08:55

(Lamdongtv.vn) - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết thực hiện kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn năm 2020 và triển khai kế hoạch năm 2021

Tham dự hội nghị có lãnh đạo các bộ ngành liên quan. Đầu cầu tỉnh Lâm Đồng có ông Phan Văn Đa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện các sở ngành liên quan.
Năm 2020 là năm ngành nông nghiệp đối mặt với nhiều thách thức chưa từng thấy. Cùng với đại dịch Covid-19, thiên tai khốc liệt dị thường nửa đầu năm hạn khắc nghiệt cả nước, đến cuối năm lại bão chồng bão, lũ chồng lũ ở các tỉnh miền Trung, dịch bệnh nguy hiểm cấp độ khu vực và toàn cầu bùng nổ, đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp  như: Dịch tả lợn Châu Phi, sâu keo mùa thu, châu chấu sa mạc v.v.Vì vậy,  năm 2020 là một năm hết sức khó khăn, thách thức, nhưng ngành nông nghiệp đã cố gắng cao độ để vươn lên hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra với tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 2,65%;  Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 41 tỷ USD;  Trên 62% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; Tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%;  Thu nhập của cư dân nông thôn đạt 43 triệu đồng/người/năm.
 
Riêng ngành nông nghiệp Lâm Đồng năm 2020 đạt mức tăng trưởng 4,39% cao hơn 1,74 điểm % so với tăng trưởng chung toàn quốc. Tổng diện tích gieo trồng năm 2020 đạt hơn  386 ngàn ha, tăng 1,2% so năm 2019.  Ngành chăn nuôi có sự phục hồi sau dịch tả lợn Châu phi, tổng đàn lợn đạt gần 417 ngàn con, tăng 19% so với năm 2019 và đạt 98% tổng đàn thời điểm trước dịch. Công tác sơ chế, chế biến nông sản được đẩy mạnh; Thương hiệu, nông sản được khẳng định; Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai hiệu quả, tác động đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân. Trồng được  417  ha rừng  tập trung và hơn  64 ngàn cây phân tán, số vụ vi phạm Luật  lâm nghiệp giảm 7% so với năm 2019, diện tích thiệt hại giảm 21%, khối lượng lâm sản thiệt hại giảm 36%; toàn tỉnh hiện có 104/111 xã và 07 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. 
Mặc dù vậy ngành nông nghiệp cả nước  vẫn còn một số hạn chế như: một số lĩnh vực mức tăng không đạt mục tiêu đề ra, việc tái đàn lợn chủ yếu diễn ra ở các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, tại khu vực hộ còn chậm; Khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền khá lớn; thiệt hại do thiên tai gây ra vẫn rất lớn; các nghiên cứu, đánh giá, đưa ra các kịch bản với những tình huống thiên tai lớn, phức tạp còn hạn chế; tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn năm 2020 chưa đạt. Năm 2011, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt ra mục tiêu: tốc độ tăng trưởng GDP ngành và tốc độ tăng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản đạt 3%; Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trên 42 tỷ USD; Tỷ lệ che phủ rừng ổn định mức 42% và nâng cao chất lượng rừng; Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 70%.
Để đạt được các mục tiêu trên, các giải pháp cụ thể đã được đặt ra: tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả; Thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn theo theo chuỗi giá trị; Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, thủy sản phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu và nhu cầu thị trường  đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng nông thôn mới.
Mai An
 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Quảng cáo trang nội dung, cột giữa Quảng cáo trang chủ, cột giữa OK TT