Khi hạ tầng giao thông nông thôn hoàn thiện đã mở ra nhiều cơ hội cho người dân ở vùng sâu, vùng xa phát triển sản xuất, kết nối giao thương hàng hóa cũng như nâng cao chất lượng sống
Đó cũng chính là lí do mà mỗi người dân xã Đinh Lạc, huyện Di Linh đều nhiệt tình, tự nguyện tham gia hiến đất, góp tiền, góp ngày công để những con đường liên thôn, liên xóm của vùng đất này rộng rãi, khang trang và thuận tiện đi lại quanh năm.
Vào năm 2014, 100% người dân thôn Đồng Lạc 4, xã Đinh Lạc, huyện Di Linh đã tự giác kéo điện chiếu sáng, trồng hoa, đối ứng với nhà nước cứng hóa 100% đường liên thôn. Mỗi khi rảo bước trên tuyến đường này, 156 hộ dân tại đây đều cảm thấy tự hào với sự đồng lòng của toàn thể nhân dân trong thôn cùng nhà nước phối hợp hoàn thành 4,3 km với tổng số tiền 5 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 1,5 tỷ đồng. Cùng với quyết tâm cao, sau khi đóng góp hơn 170 triệu đồng kéo điện đường thắp sáng, mỗi hộ dân đều đóng góp 1 triệu đồng để hoàn thành nhà sinh hoạt cộng đồng nhằm nâng cao đời sống tinh thần tại vùng nông thôn tươi đẹp này.
Ông Lê Văn Tịnh - thôn Đồng Lạc 4, xã Đinh Lạc, huyện Di Linh : Bà con ở đây đều hiểu được ý nghĩa của nông thôn mới vì vậy chúng tôi rất quyết tâm đồng lòng để ủng hộ. Có đường, có điện, có nhà văn hóa sinh hoạt nhìn làng quê mình khang trang hẳn, cũng thấy vui
Còn đối với người dân thôn Tân Lạc 1, tuyến đường nhựa liên thông được hoàn thành từ năm 1999 đã mở ra nhiều cơ hội để người dân phát triển sản xuất. Với con đường này, xe có trọng tải lớn có thể lưu thông, vận chuyển hàng hóa của nông dân cũng như từ nông trường bò sữa tại đây. Cùng kinh tế phát triển, điện đường được kéo đến mỗi gia đình, mương thoát nước đang được mỗi hộ dân tự đồng bộ, bộ mặt nông thôn Tân Lạc 1 dần đổi thay một cách tích cực hơn.
Ông Lê Hữu Thắng - Trưởng thôn Tân Lạc 1, xã Đinh Lạc, huyện Di Linh nói : Có điện, có đường, kinh tế người dân phát triển hơn trước hẳn. An ninh trật tự xã hội cũng được đảm bảo hơn trước, đặc biệt không có tệ nạn xã hội tại thôn Tân Lạc 1 này
Xã Đinh Lạc, huyện Di Linh được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới vào tháng 11/2016. Hiện nay, 100% tuyến đường trục xã được nhựa hóa 93% đường trục thôn và đường liên thôn được cứng hóa. Hộ dân sử dụng điện thường xuyên, an toàn đạt 96%. 04/05 trường đạt chuẩn quốc gia. Đây là kết quả của sự quyết tâm và đồng thuận cao, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với tinh thần Mỗi người dân góp một ý tưởng xây dựng nông thôn mới. Mỗi cộng đồng dân cư cùng nhau bàn bạc, quyết định, tự làm, tự quản, tự giám sát và được thụ hưởng thành quả của việc xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, mỗi cán bộ cơ sở cũng là một đầu tàu gương mẫu, cùng nhân dân học tập những mô hình xây dựng nông thôn mới hiệu quả để rút kinh nghiệm rồi triển khai thực hiện phù hợp tại thôn, xóm của mình.
Bà Nguyễn Thị Gái - Phó chủ tịch UBND xã Đinh Lạc, huyện Di Linh cho biết : Để phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM cần tích cực tuyên truyền, vận động để người dân hiểu chương trình xây dựng nông thôn. Chính quyền và các tổ chức đoàn thể ở địa phương phải gương mẫu đi đầu trong việc đóng góp tiền của, ngày công để nhân dân nhìn vào đó thực hiện. Khi huy động sức dân vào xây dựng nông thôn mới không được làm quá sức dân….
Bác Hồ đã từng nói “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Để chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới thành công, cần phát huy vai trò chủ thể của người dân, để nhân dân tự quản, tự bàn bạc quyết định chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho người dân có quyền quyết định và giám sát việc sử dụng nguồn vốn do mình đóng góp là bài học kinh nghiệm của xã Đinh Lạc, huyện Di Linh trong việc huy động sức dân, tạo sự thành công trong việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại địa phương./.
Phương Trà