Tin tức

Đắk Nông: Người đầu tiên nuôi thành công cá chép giòn

Thứ bảy, 26/11/2022 - 08:42

Những năm gần đây, cá chép “giòn” được nuôi phổ biến ở miền Nam, với ưu điểm dễ nuôi, lớn nhanh, tỷ lệ hao hụt thấp, cho năng suất cao, thịt thơm ngon, bán được giá cao trên thị trường, được người tiêu dùng ưa chuộng nên được nhiều người dân chọn nuôi thay thế cho cá chép truyền thống

Khi thấy nhu cầu thị trường tiêu thụ cá chép giòn ngày càng nhiều, ông Đinh Văn Điệp, thôn 10, xã Nam Bình, huyện Đắk Song (tỉnh Đắk Nông) đã tìm hiểu phương pháp nuôi, mạnh dạn đầu tư ao hồ. Ông là người đầu tiên nuôi thành công cá chép giòn tại huyện Đắk Song.
 

 
Sau khi được người thân ở Hải Dương hướng dẫn về phương pháp nuôi cá chép giòn và hiệu quả kinh tế mang lại, ông Đinh Văn Điệp, thôn 10, xã Nam Bình, huyện Đắk Song đã mạnh dạn đầu tư vào mô hình này. Từ diện tích đất trống của gia đình, đầu năm 2020, ông Điệp đào ao rộng gần 1.000 m2 thả vài trăm con cá chép nuôi thử nghiệm. Nhìn bên ngoài, cá chép giòn không có gì khác so với giống cá chép mà người dân vẫn thường nuôi. Để cho thịt cá chép trở nên giòn chính là ở thức ăn và thức ăn ở đây chính là hạt đậu tằm. Trước khi cho cá ăn, đậu tằm được ngâm qua 1 đêm để hạt đậu nở, sau đó rửa sạch rồi đem cho cá ăn. Cá chép giống từ tháng thứ nhất đến tháng thứ ba vẫn cho ăn bằng thức ăn công nghiệp, từ tháng thứ 4 cho đến thời gian xuất bán là tháng thứ 8 thì chuyển sang chế độ thức ăn giòn là hạt đậu tằm, sẽ làm cho cá trở nên giòn và dai hơn. Quan trọng nhất là nguồn nước,  cần phải thường xuyên vệ sinh ao hồ, tạo môi trường cho cá phát triển tốt.
 
Sau 2 năm nuôi cá chép giòn, từ 1 ao cá ban đầu, đến nay ông Điệp đã mở rộng đầu tư thêm 2 ao nữa, mỗi ao có diện tích hơn 1.000 m2 vừa nuôi cá chép và cá trắm. Theo tính toán của ông Điệp khoảng 1 tháng nữa gia đình ông sẽ xuất ra thị trường gần 5 tấn cá chép giòn và trắm giòn. Với trọng lượng bình quân từ 3-7kg/con, giá dao động từ 160.000 đến 170.000 đồng/kg, ông sẽ có doanh thu hơn 800 triệu đồng, thu lãi khoảng 400 triệu đồng. Ông Điệp cũng cho biết thêm, thị trường tiêu thụ cá chép và trắm giòn hiện nay chủ yếu tại các quán ăn, nhà hàng trên địa bàn và rất thuận lợi về đầu ra. 
Đến thời điểm này, ông Điệp là người đầu tiên nuôi cá chép giòn trên địa bàn huyện Đắk Song. Đây là mô hình tự phát của hộ gia đình nhưng bước đầu cũng đã thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi. 
Hiện nay nuôi cá chép, cá trắm giòn là hình thức nuôi mới, giá bán cao hơn loại cá thường. Tuy nhiên người dân cũng cần cân nhắc khi đầu tư chăn nuôi, nắm bắt giá cả thị trường và đầu ra sản phẩm để hạn chế rủi ro, thiệt hại đến kinh tế./.
 
Phòng Thời sự
Đài PTTH Lâm Đồng

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Quảng cáo trang nội dung, cột giữa OK