(Lamdongtv.vn) - Cuối năm và Tết Nguyên Đán là thời điểm mà thị trường nông sản hết sức sôi động. Đón đầu nhu cầu đó, nông dân khu cực chuyên canh các loại rau, củ, quả trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đang tập trung đầu tư, chăm sóc cây trồng
Tuy nhiên, do thời tiết giai đoạn giao mùa hiện nay có những biến đổi thất thường, nên tình hình sâu, dịch, bệnh trên các loại rau, củ, quả diễn biến khó lường – nhất là với những giống rau được canh tác chủ yếu ngoài trời
THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP TRIỂN KHAI
Để đáp ứng nhu cầu của thị trường những tháng cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, hàng chục ngàn hectars rau, củ, quả đang được nông dân Lâm Đồng đầu tư, chăm sóc. Nhiều giải pháp canh tác nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiếp tục được triển khai, nhằm nâng cao chất lượng nông sản và thuận tiện trong việc tính toán mùa vụ.
Tuần qua, tuy số giờ nắng đã tăng, nhưng nhiệt độ trong ngày nhiều thời điểm giảm mạnh; kèm theo đó là độ ẩm trong đất và trong không khó tăng cao… đã tạo điều kiện cho các loại sâu, dịch, bệnh gây hại cây rau diễn biến phức tạp – nhất là với những diện tích rau được canh tác ngoài trời. Chỉ tính trong tuần qua, hàng ngàn hectars rau họ thập tự (gồm sú, lơ, cải thảo…) và cây họ cà (gồm: cà chua, ớt, khoai tây, cà tím v.v.) bị sâu tơ, sưng rễ, xoăn lá, mốc sương… tỷ lệ hại cao có nơi lên gần 30%.
Thời điểm này, bà con ND cần làm sạch cỏ dại để không cạnh tranh dinh dưỡng với cây rau và loại bỏ được nơi trú ngụ của các loại sâu bệnh gây hại. Tùy vào từng loại rau mà bà con lên luống cho phù hợp, bón phân theo đúng quy trình kỹ thuật, bón theo phương pháp 4 đúng (tức là: đúng loại, đúng lúc, đúng liều lượng và đúng cách). Ngoài ra, trong quá trình SX, bà con nên bón nhiều phân hữu cơ đã được ủ hoai để tạo độ tơi xốp cho đất. Trong quá trình bón phân, xới nhẹ lớp đất mặt để vùi phân vào đất. Hạn chế bổ sung phân bón có hàm lượng đạm cao vì rau thừa đạm sẽ dễ gặp tình trạng đổ ngã và bị sâu bệnh tấn công.
Thực hiện: Anh Vũ