(Lamdongtv.vn) - Những năm gần đây, nông dân Lâm Đồng đã đưa macca vào cơ cấu sản xuất của gia đình mình ngày càng phổ biến. Cùng với việc mở rộng diện tích sản xuất, một số hợp tác xã và doanh nghiệp đã liên kết ,đầu tư phát triển macca thành sản phẩm đặc trưng của địa phương
Hiện, macca là một trong những loại nông sản được công nhận sản phẩm OCOP nhiều của tỉnh Lâm Đồng. Thông qua chương trình Mỗi xã một sản phẩm – OCOP, giá trị macca Lâm Đồng đã được cải thiện, thị trường tiêu thụ cũng đảm bảo hơn.
Để nâng cao thu nhập trên mỗi đơn vị canh tác, nhà nông Nguyễn Hữu Việt (ở xã Tân Hà, huyện Lâm Hà) đã xen macca trong vườn café rộng 2,5 ha của gia đình mình. Nhờ được chăm sóc đúng kỹ thuật, nên khi bước vào giai đoạn kinh doanh, vườn macca xen canh cho chất lượng hạt tốt, năng suất đạt từ 6-8tấn/ha. Xét thấy tiềm năng của loại cây trồng này khả quan, bên cạnh việc trồng thêm 5 ha macca, ông Việt còn thành lập Công ty TNHH Nông sản sạch Huy Hiếu và liên kết với 50 nông hộ ở địa phương trồng macca trồng 75 ha macca. Với sự đầu tư ngày càng hoàn thiện, sản phẩm macca sấy và macca sấy Viet’s Nuts đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 và 5 sao.
Lâm Đồng là một trong những địa phương trồng macca chủ lực của cả nước, với khoảng 5.000 ha. 97% diện tích macca ở địa phương được phát triển với hình thức trồng xen. Ngoài việc mang lại thu nhập từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng/ha/năm, macca còn là loại cây che bóng và chắn gió hiệu quả khi xen canh trong vườn café. Chính những ưu điểm vượt trội mà loại cây trồng đa mục đích này mang lại.Nhiều nông hộ ở Lâm Đồng đã liên kết với doanh nghiệp phát triển macca trở thành sản phẩm đặc trưng của địa phương. Hiện, toàn tỉnh có 9 sản phẩm chế biến từ hạt macca được công nhận là sản phẩm OCOP từ 3 đến 5 sao.
Để giúp nông dân phát triển macca ngày càng khoa học, ngành nông nghiệp Lâm Đồng đã triển khai nhiều mô hình trồng cây macca bền vững, ghép cải tạo vườn macca. Song song đó, tăng cường chuyển giao kỹ thuật và cung cấp nhiều thông tin liên quan... Từ đó, giảm dần diện tích macca thực sinh cho năng suất, chất lượng thấp; xây dựng kế hoạch phát triển macca phù hợp gắn liên kết tìm đầu ra thông qua chương trình Mỗi xã một sản phẩm – OCOP.
Gần 20 năm bám rễ trên vùng đất Nam Tây nguyên, cây macca đã giúp nhiều nông hộ tạo thế chân kiềng trong sản xuất, hỗ trợ bà con nâng cao thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững. Và việc sản xuất mắc ca có nguồn giống chất lượng tốt, cho ra sản phẩm chất lượng cao, gắn với chương trình mỗi xã một xã một sản phẩm đã nâng cao thu nhập và giá trị trái mắc ca Lâm Đồng.
Mai An