(Lamdongtv.vn) - Ban Kinh tế Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Nghị quyết 55 của Bộ chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng Quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045
Ủy viên Bộ chính trị - Trưởng ban kinh tế TW Nguyễn Văn Bình chủ trì hội nghị; tham dự tại đầu cầu tỉnh Lâm Đồng có ông Trần Văn Hiệp - Phó bí thư Tỉnh ủy, ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh lãnh đạo các sở, ban ngành và các địa phương trong tỉnh.
Nghị quyết 55 của Bộ chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng Quốc gia của Việt Nam năm 2020 nêu rõ vai trò, vị trí, tầm quan trọng của ngành năng lượng và mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia là nền tảng, đồng thời là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh, là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hoá các loại hình năng lượng; ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch. Chú trọng nghiên cứu, ứng dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong phát triển tất cả các phân ngành, lĩnh vực năng lượng; đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành năng lượng; từng bước làm chủ công nghệ hiện đại, tiến tới tự chủ sản xuất được phần lớn các thiết bị năng lượng. Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường phải được xem là quốc sách quan trọng và trách nhiệm của toàn xã hội. Với mục tiêu đến năm 2030 đạt tổng công suất của các nguồn điện là 125 - 130 GW, sản lượng điện đạt khoảng 550 - 600 tỉ KWh; Tỉ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 - 20% vào năm 2030; 25 - 30% vào năm 2045.
Tại hội nghị lãnh đạo các Bộ, Ngành Trung ương, các tỉnh thành phố, các chuyên gia trong và ngoài nước đã tập trung thảo luận, nên lên các giải pháp nhằm phát triển năng lượng Quốc gia của Việt Nam, trong đó, chú trọng về phát triển các nguồn cung năng lượng sơ cấp theo hướng tăng cường khả năng tự chủ, đa dạng hoá, bảo đảm tính hiệu quả, tin cậy và bền vững; Phát triển nhanh và bền vững ngành điện đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; Đầu tư hạ tầng năng lượng bền vững, kết nối khu vực; nâng cao nội lực ngành công nghiệp chế tạo, dịch vụ phục vụ ngành năng lượng; Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước; phát huy quyền làm chủ của nhân dân và vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong phát triển ngành năng lượng./.
Quang Hoạt