Lamdongtv.vn - Phát biểu tại nghị trường, nhiều đại biểu Quốc Hội khẳng định, mục đích xây dựng dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (KH,CN,ĐMST) nhằm tạo hành lang pháp lý để KH,CN- ĐMST đóng góp vào nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần phát triển kinh tế - xã hội
Quốc hội đã họp phiên toàn thể tại hội trường nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được quy định tại Nghị quyết số 55 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 28 và Nghị quyết số 107.

Ngoài ra, các đại biểu Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng; thảo luận về dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng cũng đã tham gia thảo luận các nội dung này.
Phát biểu tại nghị trường, nhiều đại biểu Quốc Hội khẳng định, mục đích xây dựng dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (KH,CN,ĐMST) nhằm tạo hành lang pháp lý để KH,CN&ĐMST đóng góp vào nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển của nhân loại. Do đó, Dự án Luật phải thể chế hóa đầy đủ, kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về KH,CN,ĐMST để phát triển KH,CN, ĐMST&CĐS quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới. Về nội dung này, Đại biểu TRỊNH THỊ TÚ ANH – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đã tham gia thảo luận tại hội trường
Cũng theo đại biểu K’Nhiễu – Đoàn đại biểu Quốc Hội tỉnh Lâm Đồng, dự thảo luật đã quy định tương đối đầy đủ đối tượng áp dụng; tuy nhiên, trong thực tế việc triển khai cơ chế chính sách cho thấy, vai trò của các cơ quan nhà nước trong quản lý KH&CN là then chốt. Vì thế, đề nghị bổ sung cụm từ “cơ quan nhà nước có thẩm quyền” vào đối tượng áp dụng để bao quát vai trò của cơ quan quản lý. Bên cạnh đó, Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân và cơ quan nhà nước có thẩm quyền tham gia, quản lý hoặc thực hiện hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng có quyền và nghĩa vụ theo pháp luật Việt Nam, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Ngoài ra, các đại biểu cũng trao đổi về việc cần thiết phải tích hợp và thống nhất các chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ đang phân tán ở nhiều cấp, nhiều ngành. Việc này giúp tránh chồng chéo, tối ưu hóa nguồn lực và tạo ra sức mạnh tổng hợp cho khoa học và công nghệ nước nhà.
Hữu Phúc