Thời gian gần đây số vụ tấn công mạng liên tục gia tăng với hình thức đa dạng hơn, có sự chọn lọc mục tiêu, nhắm tới các đơn vị, doanh nghiệp lớn.
Phương thức tấn công mạng đòi tiền chuộc đã xuất hiện tại Việt Nam hơn 4 năm trở lại đây, tuy vậy khi cơn sốt tiền kỹ thuật số bùng nổ trở lại, số vụ tấn công mạng cũng liên tục gia tăng với hình thức đa dạng hơn, có sự chọn lọc mục tiêu, nhắm tới các đơn vị, doanh nghiệp lớn
Thời gian gần đây, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP Hà Nội liên tục xử lý nhiều nguồn tin về nhóm tin tặc đã gửi hàng loạt các thư điện tử rác tới các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam với nội dung đe dọa đã chiếm quyền điều khiển máy tính của nạn nhân và đòi tiền chuộc bằng tiền kỹ thuật số cụ thể là Bitcoin, nếu không sẽ phát tán thông tin, hình ảnh nhạy cảm lên mạng. Đây chỉ là một hình thức mà tin tặc sử dụng nhằm đánh vào tâm lý nạn nhân.
Ngoài ra, mã hóa dữ liệu cũng là hình thức mà tin tặc sử dụng phổ biến. Theo thống kê của Bkav, năm 2020 ghi nhận hơn 2 triệu lượt tấn công mã hóa dữ liệu trong đó, tin tặc đòi tiền chuộc bằng tiền kỹ thuật số. Do đặc tính ẩn danh, khó truy vết và thanh toán không biên giới nên tiền kỹ thuật số hay tiền mã hóa là công cụ mà tin tặc thường lợi dụng để thanh toán giao dịch trong các vụ tấn công mạng
Trên thế giới, nền tảng tiền kỹ thuật số cũng là mục tiêu tấn công mà tin tặc thường hướng đến. Dạng tấn công này chưa xuất hiện nhiều tại nước ta, tuy vậy sẽ là mối lo ngại trong tương lai khi mà mới đây Thủ tướng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu thí điểm tiền kỹ thuật số.
Tiền kỹ thuật số là xu thế tất yếu nhưng cũng đặt ra những thách thức về an toàn, bảo mật. Do vậy, ngoài các giải pháp kỹ thuật, trang bị hệ thống an ninh mạng đầy đủ và sao lưu dữ liệu dự phòng thì chính mỗi cá nhân, tổ chức cũng cần nâng cao hơn nữa nhận thức về an toàn thông tin để bảo vệ chính mình trước sự biến hóa khôn lường của tội phạm mạng trong kỷ nguyên số.
Phòng Thời sự
Đài PTTH Lâm Đồng