Tin tức

Hội thảo báo cáo kết quả nghiên cứu mẫu Sâm Panax sp tại Lâm Đồng

Thứ tư, 20/11/2019 - 08:50

(Lamdongtv.vn) - Tiến sỹ Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, Giáo sư Tiến sỹ Dương Tấn Nhựt, Phó Viện Trưởng Viện nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên đã chủ trì Hội thảo báo cáo kết quả nghiên cứu mẫu sâm Panax sp tại Lâm Đồng

Lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học đến từ Viện nghiên cứu khoa học Tây Nguyên và Trường Đại học Đà Lạt đã tham dự.
Tại hội thảo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên, Trường Đại học Đà Lạt và các ngành liên quan đã trình bày các báo cáo phân tích liên quan đến đặc điểm hình thái loài sâm Panax sp tại Lâm Đồng, những kết quả phân tích định danh dựa trên trình tự AND loài Sâm Panax sp cũng như việc phân bố của sâm, thành phần hóa học của loài sâm này. Dựa trên các kết quả nghiên cứu, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu kết luận bước đầu tất cả các mẫu sâm này không phải là loài Sâm Ngọc Linh mà là giống sâm Lang Bian được phân bố phổ biến hiện nay. Được biết, trước đó, tại huyện Đam Rông và Lạc Dương, một số hộ dân thuộc đồng bào dân tộc Mông đã vào rừng khai thác và buôn bán loài thực vật giống Sâm Ngọc Linh.


UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Khoa học công nghệ tỉnh thành lập đoàn gồm các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ Viện nghiên cứu khoa học Tây Nguyên, Trường Đại học Đà Lạt và các ngành liên quan đi khảo sát thực địa thu thập thông tin và thu thập mẫu về loài thực vật này. Sau gần 2 tháng triển khai, nhóm nghiên cứu đã hoàn thành việc điều tra, thu thập mẫu, phân tích bước đầu đã xác định được giá trị dược liệu thông qua các dữ liệu định tính và định lượng các hoạt chất trong các mẫu sâm này.
Kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S ghi nhận, đánh giá cao những kết quả của nhóm nghiên cứu cũng như ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học về mẫu sâm Panax sp tại Lâm Đồng. Trên cơ sở đề nghị các ngành chức năng địa phương tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện báo cáo kết quả để có giải pháp lưu giữ, bảo tồn, phát triển nguồn gen, đồng thời có định hướng thông tin phù hợp để người dân tại các vùng Đam Rông và Lạc Dương hiểu rõ giá trị của loài thực vật này./.
Hoàng Ái
 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Quảng cáo trang nội dung, cột giữa