Tin tức

Phát triển hạ tầng số phục vụ chuyển đổi số

Thứ ba, 11/10/2022 - 10:34

(Lamdongtv.vn) - Nếu coi quá trình thực hiện chuyển đổi số như xây một ngôi nhà, thì hạ tầng số chính là nền móng. Do đó, để chuyển đổi số thành công thì hạ tầng số phải đi trước một bước.

Xác định yếu tố hạ tầng có ý nghĩa quyết định đến chất lượng, hiệu quả và sự bền vững của chuyển đổi số, thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã ưu tiên, nỗ lực đẩy mạnh phát triển hạ tầng số

Theo Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, năm 2022 được coi là thời điểm bùng nổ để xây dựng, phát triển hạ tầng số. Nhân ngày chuyển đổi số quốc gia 10/10, hãy cùng nhìn lại những kết quả đáng ghi nhận ấy.
 

 
Là địa phương còn nhiều khó khăn, nguồn lực hạn chế, tuy vậy phát triển hạ tầng số là 1 trong những nhiệm vụ trọng tâm được đề ra trong Chiến lược Chuyển đổi số tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2022-2025. Chỉ riêng lĩnh vực y tế, nhờ củng cố hạ tầng mạng nội bộ và xây dựng giải pháp mạng dùng riêng đến các bệnh viện, trung tâm y tế huyện/thành phố, trạm y tế xã/phường, mà công tác quản lý, khám chữa bệnh được triển khai thuận lợi, nhanh chóng.

Anh Nguyễn Thành Đạt - Tp. Rạch Giá, Kiên Giang: Từ đặt lịch khám, thanh toán viện phí, cho đến tra soát thông tin về tình trạng bệnh, quá trình điều trị đều được thực hiện thông qua ứng dụng di động. Sau mỗi lần đi khám thì những thông tin về tình trạng bệnh, đơn thuốc đều được thể hiện trên ứng dụng và tôi có thể trao đổi trực tiếp với bác sĩ khám cho tôi. Tôi cảm thấy rất thuận tiện cho người bệnh"

Ông Võ Minh Trung - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Kiên Giang: Kiên Giang là một trong những tỉnh được các doanh nghiệp viễn thông công nghệ thông tin đầu tư cơ sở hạ tầng tương đối tốt. Sóng 3G 4G gần như phủ kín hết trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Người dân dù đi bất cứ đâu đều có thể sử dụng dịch vụ công trực tuyến thông qua điện thoại di động thông minh. Các hệ thống kết nối từ xã phường về đến trung ương, chúng tôi cũng đã thực hiện xong trong những năm qua

Hạ tầng viễn thông Việt Nam hiện nay về mức cơ bản đã đáp ứng yêu cầu kết nối. Trong 6 tháng đầu năm nay, tốc độ truy cập mạng băng rộng cố định tăng 32,7% so với cùng kỳ năm ngoái; tốc độ truy cập mạng băng rộng di động đạt 35,29 Mbps (tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2021). Các doanh nghiệp viễn thông di động đã triển khai phủ sóng được 477/832 thôn, xóm “lõm sóng” viễn thông. Tỷ lệ hộ gia đình có kết nối Internet đạt 83%, tỷ lệ phủ cáp quang đến hộ gia đình đạt 75%, tăng 9% so với năm 2021.

Ông Nguyễn Phong Nhã – Phó Cục trưởng Cục Viễn thông: Các nhà mạng sẽ tiến tới dừng công nghệ 2G, khi ấy tần số đang phục vụ cho mạng 2G sẽ được dùng cho công nghệ 4G, 5G thì chắc chắn chúng ta sẽ có mạng viễn thông hiện đại

Ngoài đầu tư, nâng cấp hạ tầng viễn thông hiện tại, nhiều doanh nghiệp cũng đồng thời triển khai công nghệ mới cho trung tâm dữ liệu. Mà điện toán đám mây là một hạ tầng số quan trọng để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam.

Ông Ngô Diên Hy - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam : Có lẽ không có một giới hạn nào về độ phủ của ứng dụng Cloud và tất cả các ứng dụng đều có thể được triển khai trên môi trường điện toán đám mây. Trên cơ sở đó thì chúng tôi chuẩn bị để đảm bảo hạ tầng Cloud đủ để đáp ứng cho việc cùng đồng hành với chính phủ, các tổ chức và doanh nghiệp trong công cuộc chuyển đổi số của quốc gia

Theo các chuyên gia, để đạt mục tiêu phấn đấu đưa Việt Nam vào tốp 50 quốc gia chuyển đổi số năm 2025, Việt Nam cần tập trung khuyến khích, thúc đẩy đầu tư phát triển hạ tầng số nhiều hơn gấp 2, gấp 3 lần giai đoạn vừa qua. Không chỉ từ các doanh nghiệp nhà nước mà còn cần khuyến khích, thu hút nguồn lực đầu tư từ xã hội, trong đó có khối tư nhân, hướng tới mục tiêu doanh thu của hạ tầng số chiếm 1% GDP vào năm 2025.
Phòng Thời sự
Đài PTTH Lâm Đồng

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Quảng cáo trang nội dung, cột giữa