(Lamdongtv.vn) - Vừa qua một số công ty ở Lâm Đồng cung cấp hàng cho các siêu thị đã tráo hàng rau chợ thành rau sạch, vậy bản chất khoảng cách giữa rau chợ và rau sạch có quá xa không!?
Khi người mua không thể phân biệt được đâu là rau chất lượng cao, đâu là rau sản xuất truyền thống. Thực thế thì chỉ có nhà cung cấp hưởng lợi cao, còn nông dân vẫn chịu thiệt khi rau không có các chứng nhận rau lượng cao, nên giá trị nông sản làm ra vẫn thấp. Vậy nông dân làm gì để có thêm bước tiến nữa nhằm nâng cao giá trị rau thương phẩm xứng đáng với những nỗ lực không ngừng trên đồng ruộng của mình.
Xưa nay nông dân Lâm Đồng được đánh giá là luôn nhạy bén trong tư duy sản xuất, nhất là áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất rau. Trên hết người nông dân vẫn chú trọng đến việc sản xuất rau sạch bằng việc bón phân, thuốc bảo vệ thực vật rõ nguồn gốc. Rau Lâm Đồng cũng có thương hiệu trên thị trường bởi chưa có mẫu rau nào được kiểm nghiệm ngẫu nhiên vượt ngưỡng các chỉ tiêu cho phép về an toàn thực phẩm. Tại huyện Đơn Dương, vùng có diện tích rau lớn nhất tỉnh và là một trong những cái nôi khởi nguồn cho nghề trồng rau ở Lâm Đồng, suốt nhiều năm qua nông dân vẫn tuân thủ canh tác rau an toàn theo kinh nghiệm của mình và họ ngày càng chú trọng trong việc hướng tới sản xuất rau sạch-an toàn cho người tiêu dùng.
Rau Lâm Đồng luôn có một chỗ đứng riêng trên thị trường rau xanh của cả nước, tuy nhiên hầu hết nông dân vẫn sản xuất theo kinh nghiệm vốn có, chưa thực sự muốn xây dựng rau sạch, rau hữu cơ có chứng nhận vì nhiều nguyên do khác nhau. Trong đó, nguyên do chính vẫn là thiếu kiến thức về các quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn của các tổ chức trong nước và quốc tế. Việc thực hành sản xuất vẫn chưa thích ứng với thói quen sản xuất truyền thống, nhất là việc đăng ký và làm các thủ tục chứng nhận rau sạch vẫn còn là một vấn đề nông dân khó tiếp cận. Đây cũng là thực trạng chung của hầu hết nông dân các địa phương.
Theo thống kê của Ngành Nông nghiệp tỉnh, từ năm 2021 đến nay, cơ quan chức năng đã tiến hành lấy mẫu giám sát đối với trên 1 nghìn mẫu rau củ quả, trong đó: phân tích định lượng 334 mẫu sản phẩm rau củ quả đạt yêu cầu hơn 99%, điều này một lần nữa khẳng định tư duy sản xuất của nông dân luôn hướng tới, tạo ra những nông sản an toàn để cung cấp cho người tiêu dùng, nhưng thực tế nông sản nông dân xưa nay làm ra vẫn chịu thiệt do đầu ra không ổn định mà phụ thuộc nhiều vào thương lái. Mỗi năm tỉnh Lâm Đồng cung cấp cho thị trường khoảng 2,7 triệu tấn rau củ, trong đó tỉ lệ xuất khẩu đạt trên 13%, đây là con số khá khiêm tốn trong việc nông sản Lâm Đồng tham gia vào các chuỗi giá trị thương mại lớn, nhất là chuỗi giá trị toàn cầu. Làm gì để ngày càng nhiều nông dân, tổ chức tham gia vào các quy trình sản xuất rau củ chất lượng cao được chứng nhận vẫn là một câu hỏi đòi hỏi ngành chức năng cần nỗ lực hơn nữa trong việc hỗ trợ, khuyến khích nông dân, doanh nghiệp hướng tới việc nâng cao giá trị nông sản.
Bất cứ người nông dân nào cũng mong muốn việc sản xuất của mình mang lại lợi nhuận cao, năng suất cao. Chính vì vậy mong muốn của họ là dành hết công sức cho những vụ mùa bội thu và họ họ sẵn sàng bỏ ra những khoản chi không nhỏ để thực hành quy trình sản xuất hiệu quả. Tuy nhiên việc liên kết sản xuất, tiêu thụ vẫn còn là một bài toán khó với nông dân khi họ vốn không quen với những thủ tục hành chính phức tạp, những quy trình mà không phải nông dân nào cũng có thể tuân theo. Vì vậy vẫn cần sự hỗ trợ hơn nữa từ Nhà nước về vốn, kỹ thuật và đầu ra ổn định. Có như vậy nông dân mới có thể bước thêm một bước nữa, từ sản xuất thông thường sang quy trình nâng cao và lợi ích của người nông dân thực sự được đảm bảo./.
Mai An