Trong bối cảnh sự dịch chuyển của các chuỗi giá trị, sự cạnh tranh mang tính sống còn của thị trường xuất khẩu, để không nằm ngoài cuộc chơi, các doanh nghiệp buộc phải thay đổi cơ bản cả về chất và lượng. Việc ứng dụng đồng bộ công nghệ vào sản xuất, đẩy nhanh quá trình tự động hóa trong sản xuất đã giúp nhiều doanh nghiệp tại Bình Dương duy trì đều đặn đơn hàng trong bối cảnh khó khăn.
Đây cũng là chìa khóa để doanh nghiệp tiếp tục cạnh tranh và phát triển trong tương lai.
Ở bất kỳ công đoạn nào của nhà máy này cũng có những cánh tay robot gắp sản phẩm đặt lên băng chuyền. Ứng dụng đồng bộ những công nghệ hiện đại bậc nhất trong ngành gốm sứ đã đưa doanh nghiệp này trở thành nhà sản xuất hàng đầu về các sản phẩm gốm sứ cao cấp. Không chỉ đạt được độ tinh xảo, công nghệ còn giúp giảm giá thành, nâng cao năng suất, với hàng trăm ngàn sản phẩm một ngày.
Ứng dụng công nghệ vào sản xuất từ lâu đã được xem là giải pháp sống còn của các doanh nghiệp trước đòi hỏi của thị trường. Máy móc, thiết bị, công nghệ hiện đại được đưa vào nhiều ngành sản xuất thế mạnh Bình Dương, đã cải thiện đáng kể năng suất, chất lượng, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm khi xuất khẩu. Từ đó giúp doanh nghiệp duy trì đều đặn đơn hàng trong bối cảnh khó khăn.
Trước xu hướng phát triển bền vững, sản xuất và tiêu dùng xanh, các doanh nghiệp trên địa bàn Bình Dương đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ xanh vào hoạt động. Đây cũng là trọng tâm trong chính sách khuyến công của tỉnh Bình Dương. Bên cạnh việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho KHCN, tỉnh cũng hỗ trợ xây dựng, chuyển giao các mô hình sản xuất mới, công nghệ mới.
Đẩy nhanh tự động hóa, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất là một phần trong chiến lược phát triển kinh tế xanh, kinh tế số của tỉnh Bình Dương. Tỉnh cũng sẽ tập trung đầu tư hạ tầng, dịch vụ, thúc đẩy nghiên cứu đổi mới sáng tạo làm nền tảng cho cho sự chuyển đổi cả về chất và lượng trong sản xuất, tạo ra những sản phẩm giá trị cao phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.
PHÒNG THỜI SỰ