Việt Nam là một trong những quốc gia thể hiện cam kết mạnh mẽ nhất trong quá trình chuyển dịch năng lượng xanh của thế giới. Việc phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã phần nào cho thấy mục tiêu của Việt Nam trong việc nỗ lực giảm phát thải ngành công nghiệp năng lượng.
Quy hoạch điện đã hạn chế phát triển các nhà máy điện than, tăng tỷ trọng các dự án điện khí, năng lượng tái tạo. Đây những nỗ lực hết sức đáng ghi nhận, của các doanh nghiệp khối nhà nước và tư nhân, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới trong giai đoạn sắp tới.
Dự án của Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam , trong việc tận dụng các dịch vụ cốt lõi của mình, vốn là một đơn vị có rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực dầu khí ngoài khơi, để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo ngoài khơi.
Chuyến tàu chở gần 70.000 tấn khí thiên nhiên hóa lỏng LNG cập Kho cảng LNG Thị Vải, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cũng là một mốc đáng ghi nhận trong quá trình chuyển đổi năng lượng xanh tại Việt Nam. Lần đầu tiên Việt Nam có kho cảng LNG, thực hiện nhập khẩu LNG, phục vụ phát triển ngành công nghiệp năng lượng.
Với mục tiêu phát triển đồng bộ từ khâu thượng nguồn, trung nguồn cho đến hạ nguồn, để có thể tận dụng tối đa hiệu quả phát điện của khí tự nhiên, hiện nay nhiều nhà máy đã được triển khai xây dựng để đón đầu ‘dòng chảy” của khí tự nhiên hóa lỏng. Tuy nhiên, với nhiều vướng mắc, cả chủ quan và khách quan, thì những dự án này cũng đang gặp nhiều khó khăn.
Theo các chuyên gia, điện khí là bước chuyển tiếp vô cùng quan trọng trong con đường dịch chuyển xanh hóa ngành năng lượng. Để sự chuyển đổi này sớm thành hiện thực, tránh lãng phí nguồn lực thì các cơ quan chức năng, bộ ngành liên quan cần vào cuộc một cách quyết liệt hơn nữa, hướng đến nền kinh tế phát triển bền vững, giảm phát thải, thực hiện đúng với cam kết về phát thải ròng./
Phòng thời sự