Đi chợ mua hàng không dùng tiền mặt đang trở thành một xu hướng mới tại các chợ trên địa bàn tỉnh Bình Định. Sau một thời gian bỡ ngỡ, đến nay người dân đã hiểu rõ những ưu điểm này. Nhờ đó, mô hình Chợ 4.0 đã phát huy hiệu quả tích cực.
Chợ Phù Cát ở thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát vẫn như mọi hôm, tấp nập hoạt động mua bán. Nếu như trước đây, cứ đi chợ là ai cũng phải cầm theo ví tiền thì nay, nhiều người đi chợ chỉ mang theo... chiếc điện thoại.
Và trên mỗi quầy hàng trong chợ đều có những mã quét QR. Thay vì trả và nhận tiền mặt, thì nay chỉ cần chiếc điện thoại và vài thao tác đơn giản đã có thể hoàn tất việc mua bán. Chợ 4.0 là tên gọi vắn tắt của mô hình này. Được Viettel Bình Định triển khai từ năm 2022, đến nay trên địa bàn tỉnh Bình Định đã có 10 chợ 4.0. Ban đầu còn bỡ ngỡ thì nay các tiểu thương đều hài lòng, tích cực hưởng ứng, sử dụng bởi những lợi ích đem lại.
Mỗi tiểu thương được nhân viên Viettel hướng dẫn tạo một mã QR code. Người mua hàng chỉ cần dùng điện thoại thông minh quét mã để thanh toán thay cho phương thức sử dụng tiền mặt như trước đây.
Không chỉ người bán, người mua cũng đã có những trải nghiệm thiết thực, thú vị khi đi chợ 4.0. Tại đây, người đi chợ hoàn toàn có thể thanh toán hàng hóa bằng việc thanh toán điện tử mà không cần phải sử dụng tiền mặt. Việc thanh toán không tiền mặt thông qua ứng dụng cũng là cách để bảo đảm quá trình giao dịch an toàn hơn, tốc độ thanh toán nhanh, xác thực một cách dễ dàng và linh hoạt; đồng thời, hạn chế việc bị trộm cắp tài sản, tiền giả.
Tại tỉnh Bình Định, đến nay đã có 1.100 điểm chấp nhận thanh toán, từng bước thay đổi hành vi của khách hàng và góp phần công cuộc chuyển đổi số tại địa phương.
Với sự nỗ lực của Viettel, giờ đây không chỉ ở các chợ thành thị mà nông thôn trên địa bàn tỉnh Bình Định, người đi chợ đã quen với việc thanh toán hàng hóa bằng thanh toán điện tử mà không cần phải sử dụng tiền mặt như trước kia.
Mô hình chợ 4.0 là một trong những bước cơ bản nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh mua bán, tạo điều kiện để người tiêu dùng tiếp cận với các phương thức thanh toán hiện đại, từ đó giúp hình thành thói quen, từng bước đưa phương thức thanh toán số trở thành công cụ thanh toán chủ yếu trong quá trình giao dịch mua bán hàng hóa.