Lamdongtv.vn - Sở văn hóa, thể thao và du lịch Lâm Đồng phối hợp với Sở khoa học công nghệ (KHCN) tổ chức Hội thảo khoa học: “Ứng dụng khoa học và công nghệ trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá, lịch sử trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”. Đại diện các ngành chức năng, các nhà khoa học cùng tham dự.
Hội thảo đã phân tích tầm quan trọng và hiệu quả của việc ứng dụng KHCN trong bảo tồn, phát triển các làng nghề truyền thống. Qua đó cho thấy, với đề tài “Nghiên cứu thực trạng nghề thủ công của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”, các nhà khoa học đã đề xuất giải pháp phát triển các nghề thủ công truyền thống như: Xây dựng cơ chế, chính sách giúp người dân tộc tổ chức các mô hình sản xuất thủ công phù hợp;Đào tạo, bồi dưỡng chủ cơ sở sản xuất thủ công là người dân tộc; Đầu tư dự án nghiên cứu, khôi phục, bảo tồn bí quyết nhuộm sợi dệt thổ cẩm bằng lá cây; Hỗ trợ thành lập cơ sở sản xuất nhẫn bạc; Hình thành tổ hợp tác sản xuất kinh doanh thổ cẩm. Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa trong đời sống.
Đề tài “Phát huy truyền thống Chu ru và xây dựng làng văn hóa – du lịch tại xã Pró – huyện Đơn Dương” đã chỉ ra những loại hình, loại thể văn hóa truyền thống của người Churu tại P’ró có thể vận dụng để hình thành các sản phẩm phục vụ du lịch; Đề tài “Đánh giá kết quả việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và đề xuất xuất các giải pháp thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới ở Lâm Đồng” tập trung đánh giá thực trạng việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội trên địa bàn tỉnh.
Cũng qua nghiên cứu cho thấy: Nhiều giá trị văn hóa của các dân tộc bị mai một. Vì vậy, việc sưu tầm, nghiên cứu, phục hồi và phát huy giá trị hoa văn trang trí của các dân tộc bản địa Lâm Đồng có ý nghĩa to lớn, góp phần tích cực vào quá trình bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa của các dân tộc. Sở Khoa học và Công nghệ đã ký kết hợp đồng với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch thực hiện “Sưu tầm, bảo tồn và phát huy hoa văn trang trí các dân tộc bản địa tỉnhLâm Đồng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc hiện nay”. Ngoài ra còn, ứng dụng công nghệ 4.0 trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử với các đề tài: Xây dựng Bộ dư địa chí các dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng; quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tại Bảo tàng Lâm Đồng; “Ứng dụng công nghệ 3D trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Khảo cổ Cát Tiên”.
Tại hội thảo, các nhà khoa học nhận định: thời gian qua, công tác quản lý, bảo tồn, lưu giữ và phát huy giá trị lịch sử -văn hóa trong tỉnh đã nhận được nhiều sự quan tâm đặc biệt của các cấp quản lý, các nhà khoa học và các chuyên gia. Bước đầu cũng đã sử dụng kết hợp các phương pháp, cách tiếp cận trong việc khai thác triển khai các công nghệ thực tế ảo vào hỗ trợ quản lý, bảo tồn, lưu giữ và phát huy giá trị của các hiện vật, di tích, bảo tàng.
Với sự phối hợp chặt chẽ của các cấp các ngành, các chuyên gia, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của tỉnh Lâm Đồng góp phần gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế với bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử -văn hóa truyền thống của các dân tộc, tạo nền tảng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, đóng góp chung vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương bền vững.
Mai An