(Lamdongtv.vn) - Tại thành phố Đà Lạt, Hội sinh lý thực vật Việt Nam đã tổ chức Hội nghị sinh lý thực vật toàn quốc lần thứ 3 năm 2025. Với sự tham gia của các nhà khoa học trong các lĩnh vực nghiên cứu công nghệ sinh học trong và ngoài nước. Tại hội nghị các nhà khoa học trong và ngoài nước đã mang đến 66 bài báo và tham luận trên các lĩnh vực, trong đó có các tham luận chuyên sâu
như: Cơ chế phân tử cơ bản cho sự ra đời của tính dẻo quang hợp CAM trong cây trồng. Tái sinh tế bào trần và chỉnh sửa gen không mang gen ngoại lai. Ảnh hưởng của đứt gãy chuỗi xoắn kép DNA đến sự tiến hoá hệ gen ở thực vật. Thành tựu 45 năm phát triển sinh lý thực vật truyền thống hướng tới công nghệ sinh học thực vật hiện đại tại Viện Công nghệ Sinh học. Nghiên cứu ứng dụng nano kim loại trong nuôi cấy tế bào, mô và cơ quan thực vật: kích thước nhỏ - ảnh hưởng lớn. Xác định và đánh giá chức năng của các yếu tố phiên mã NAC và hệ thống hai thành phần trong tính chống chịu stress phi sinh học ở cây trồng v.v…
Hội nghị Sinh lý thực vật là một diễn đàn học thuật để các nhà khoa học nói chung và các nhà nghiên cứu Sinh lý thực vật nói riêng trình bày, trao đổi các kết quả nghiên cứu, trên cơ sở đó thảo luận để tìm ra hướng đi phù hợp phục vụ tốt hơn cho đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng, phục vụ thực tiễn sản xuất. Hội nghị cũng là cầu nối giữa các đơn vị hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học có liên quan tới lĩnh vực Sinh lý thực vật trên toàn quốc nhằm thiết thực phục vụ cho đào tạo và sản xuất. Hội nghị là cơ hội để các nhà khoa học, các Viện nghiên cứu về Sinh lý thực vật mở rộng cơ hội liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để cùng hợp tác nghiên cứu, triển khai các kết quả nghiên cứu vào sản xuất phục vụ xã hội, phát triển kinh tế. Sinh lý học thực vật và các lĩnh vực liên quan khác như: Công nghệ sinh học thực vật, Sinh học phân tử thực vật, Hóa sinh thực vật, Nuôi cấy mô tế bào thực vật,… đã có bước phát triển nhanh, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, ứng dụng rộng rãi trong đời sống xã hội, tạo nhiều đột phá mới trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến, y dược, môi trường. Nhiều sản phẩm khoa học đã được thương mại hóa, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư nghiên cứu, sản xuất với quy mô lớn, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh quốc phòng./.


Thùy Dương