Khi các nguồn năng lượng sơ cấp đã khai thác triệt để thì nguồn năng lượng tái tạo hiện là ưu tên hàng đầu được triển khai tại Việt Nam. Nghị quyết 55 của bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đã đặt mục tiêu nâng tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo trong tương lai
Đây là cơ sở để phát triển năng lượng tái tạo, giúp cân bằng cơ cấu, tăng tính chủ động nguồn năng lượng của đất nước.
Trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 03 dự án điện mặt trời với tổng công suất 138 MWp và 1 dự án điện gió công suất 50MW, đã được Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh. Hiện, còn 10 dự án điện mặt trời và 56 dự án điện gió cũng đang được đề nghị bổ sung. Tránh lặp lại tình trạng quá tải, không nối lưới kịp từ các nguồn điện như đã từng diễn ra tại một số tỉnh miền Trung, Nghị quyết 55 cũng đã giải bài toán về việc giải tỏa công suất đối với các dự án năng lượng tái tạo.
Ông Đoàn Văn Bình - Viện trưởng Viện KH Năng lượng Việt Nam cho biết : “xác định được nhưng phần ranh giới đâu là độc quyền nhà nước, còn những đường truyền tài thu gom công suất năng lượng tái tạo có thể giao cho tư nhân làm như vậy thì bản thân họ đã tự một phần tham gia giải phóng công suất mà tư nhân đầu tư là một bước đột phá trong NQ 55 mà chúng ta có thể hy vọng sẽ giải quyết được vấn đề”
Ông Nguyễn Quang Huân - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Halcom Việt Nam nói : “khuyến khích tư nhân đầu tư vào mạng lưới cái đó trước kia không khuyến khích, đó là việc riêng của EVN nhưng bây giờ không có cơ chế độc quyền, không có lợi ích nhóm. Ngay cả việc hướng dẫn cụ thể như là khuyến khích cả việc mua bán điện tại chỗ, tức là nhà sản xuất có thể sản xuất và cung cấp ngay tại khu vực đấy”
Dựa trên ý kiến của chính những doanh nghiệp, nhà đầu tư và địa phương, Bộ Công Thương sẽ đề xuất phương án, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, địa phương phấn đấu đạt mục tiêu: tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15-20% vào năm 2030; 25-30% vào năm 2045.
Ông Trần Tuấn Anh - Bộ Trưởng Bộ Công Thương cho hay : “năm 2021 và những năm tiếp theo chúng ta vẫn còn tiếp tục căng thẳng trong nhu cầu điện năng, cần phải vận dụng và triển khai ngay Nghị quyết này giải quyết bài toán cân đối cung cầu điện trong những năm tới đây. Bộ Công Thương sẽ tính toán ngay trong chiến lược những quy hoạch mang tính dài hạn, nhưng có những nhiệm vụ cấp bách cần phải xử lý ngay lập tức”
Thời gian qua, chính sách khuyến khích phát triển điện gió và điện mặt trời với mức giá ưu đãi cố định đã chứng minh, khi có giá tốt lập tức nhà đầu tư gia tăng đầu tư khá mạnh mẽ vào các lĩnh vực này. Một môi trường ổn định sẽ giúp các nhà đầu tư yên tâm, tránh tình trạng sau một thời gian lại đổi thay như giá điện điện mặt trời vừa qua đã khiến nhà đầu tư trở tay không kịp.
Ông Hà Đăng Sơn – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh cho biết : “Kỳ vọng Chính phủ có những định rõ ràng để làm sao chúng ta có được quy hoạch mang tính chất dài hạn về nguồn, lưới. Xác định được tầm nhìn, điện gió ngoài khơi, điện gió trên bờ như thế nào điện mặt trời như thế nào và các nguồn điện khác… thì Quy hoạch điện sắp tới cần giải quyết các bài toán là có được tầm nhìn”
Rõ ràng để thu hút nguồn vốn tư nhân, cần có cơ chế rõ ràng, chính sách có tầm nhìn, thể hiện cam kết lâu dài của Nhà nước. Với những con số cụ thể mà Nghị quyết 55 đã đề ra đối với năng lượng tạo, chắc chắn các nhà đầu tư đang kỳ vọng cơ hội mới để tham gia vào lĩnh vực này một cách tích cực hơn, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia./.
Phòng Thời sự
Đài PTTH Lâm Đồng