“ATM gạo” do anh Hoàng Tuấn Anh ở TP.HCM sáng chế đang được nhân rộng ở nhiều tỉnh thành. Sáng tạo của cách tặng gạo thời 4.0 phù hợp với việc giãn cách xã hội ở thời dịch COVID-19 đang mang đến sự tiện lợi và ấm lòng cho người được nhận
“ATM gạo” đầu tiên được đặt ở đường Vườn Lài, quận Tân Phú. Ngay từ khi ra mắt vào ngày 06/4 đã thu hút sự quan tâm bởi nhiều điểm đặc biệt. Việc phát gạo qua ATM diễn ra 24/24, thiết bị chính là chuông thông minh và van tự động. Khi cần, người dân có thể tự túc nhận gạo theo đúng định lượng.
Anh HOÀNG TUẤN ANH – CEO Công ty PHGLock, Người sáng chế ra “ATM gạo”: Khi mà có người tới thì có người rung cửa camera của bên công ty mình, mình sẽ cảm ứng được chuyển động, nó sẽ truyền vào điện thoại của nhân viên. Nhân viên sẽ bấm thì hệ thống van này mở ra, gạo chạy xuống. Định lượng, mỗi lần thì kí rưỡi. Gạo thì sẽ bỏ vào cái thùng này.
Xung quanh điểm nhận gạo có gắn biển báo thông tin và phát loa. Theo Hoàng Tuấn Anh, việc gắn loa giúp cho những người không biết chữ. Những nguyên tắc tại điểm nhận gạo là: không tụ tập đông người, đứng cách xa 2m. Việc điều khiển sẽ thông qua app, với hai chế độ nhận gạo là cảm biến và nhấn chuông.
Anh HOÀNG TUẤN ANH – CEO Công ty PHGLock, Người sáng chế ra “ATM gạo”: Mình có hệ thống camera giám sát, nếu tụ tập đông người thì mình sẽ ngưng. Mình có bảng hướng dẫn ở đây. Sự thật là họ cũng không cần phải tụ tập đông người làm gì. Vì mình phát gạo 24/24 mà, giờ họ tới đông thì chiều họ tới, tối họ tới. Không giới hạn số lượng, cũng không giới hạn thời điểm, mình chia đều cho mỗi người, ở nhiều thời gian khác nhau thì tránh vấn đề tụ tập. Mình có hai chế độ. Nếu đông người quá thì mình để chế độ cảm biến. Khi có người tới thì tự động tới báo bên cái app của mình. Chế độ thứ hai ban đêm ít người thì người ta tới người ta nhấn chuông.
Không tụ tập đông người và đầy hiệu quả, bình quân mỗi ngày điểm “ATM gạo” phát từ 4 – 5 tấn gạo. Mục tiêu của anh Hoàng Tuấn Anh và cộng sự là xây dựng 100 điểm phát gạo tự động trên khắp thành phố, việc phát gạo có thể kéo dài từ 1-2 tháng sau thời điểm dịch bệnh kết thúc ./.
Phòng Thời sự
Đài PTTH Lâm Đồng