Tin tức

Điện hạt nhân mới chỉ được đưa ra xem xét

Thứ ba, 06/10/2020 - 10:53

Cùng với hàng loạt kịch bản phát triển nguồn điện nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, trong dự thảo Quy hoạch điện VIII vừa được Bộ Công thương đưa ra lấy ý kiến có cả kịch bản tái khởi động dự án điện hạt nhân.

Tuy nhiên, đây chỉ  là một phương án được đưa ra để xem xét.Các kịch bản phát triển nguồn điện chính được quy hoạch VIII đưa ra với 11 kịch bản chính, trong đó các kịch bản 1, 2, 3 sẽ đặt mục tiêu tăng tỉ trọng năng lượng tái tạo ở mức cao hơn. Đáng chú ý, kịch bản 6 có tính đến nguồn điện hạt nhân sau năm 2035 với 1.000 MW vào năm 2040 và 5.000 MW vào năm 2045. 

Ông Nguyễn Đức Cường – Chuyên gia độc lập về Năng lượng nói : “ việc phát triển điện hạt nhân cần hay không cần thì chúng ta phải tiếp cận theo mặt được và chưa được. Điện hạt nhân có ưu điểm là công nghệ đã chín muồi và thương mại tự động hóa cao, số giờ vận hành cao, 7.000 - 8.000 giờ/1 năm, tuổi thọ cũng rất lâu dài và rõ ràng nó cung cấp điện một cách ổn định.” 
Nguồn năng lượng đang dần chuyển dịch. Năng lượng tái tạo được ưu tiên, nhiệt điện than đang giảm dần và bị hạn chế mạnh. Vì vậy theo các chuyên gia việc tính toán đến điện hạt nhân sẽ là một lựa chọn trong thời gian tới, cùng với năng lượng tái tạo. Vấn đề lo ngại về an toàn thì đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý và các viện nghiên cứu phải có nghiên cứu, cơ sở lập luận. 

Ông Trần Chí Thành – Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam cho biết : Về vấn đề kỹ thuật và công nghệ, chúng tôi đảm bảo công nghệ hiện nay đã an toàn hơn hẳn so với trước. Khi làm về điện hạt nhân chúng ta phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng nhiều vấn đề về mặt năng lực, khoa học kỹ thuật, hạ tầng, pháp quy, đặc biệt là về nguồn nhân lực được chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng”
Tuy nhiên, Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xây dựng phương án quy hoạch kết cấu hạ tầng cho 4 phân ngành chính gồm: Phân ngành than, dầu khí, điện lực và năng lượng tái tạo. Trong nội dung 5 kịch bản đầu của quy hoạch này hoàn toàn không tính toán đến sự có mặt của điện hạt nhân. Một trong các lý do được đưa ra là điện hạt nhân vẫn chưa cạnh tranh được về mặt kinh tế.
TS. Đoàn Văn Bình – Viện trưởng Viện Khoa học năng lượng cho hay : Tư vấn cũng đã tính toán đến việc phát triển điện hạt nhân, nó cũng có ưu thế của điện hạt nhân tuy nhiên để tính đến chỉ tiêu kinh tế và chỉ tiêu đầu tư thì điện hạt nhân không cạnh tranh được với các kịch bản khác. Vì vậy không được tư vấn đề xuất là hợp lý. Trong tư vấn lần này đã làm rất khách quan để chi phí giảm xuống”
 
Hiện nhiều nước trên thế giới đã và đang tiếp tục phát triển điện hạt nhân theo công nghệ mới, đảm bảo an toàn hơn. Sau năm 2030, Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ thiếu năng lượng nghiêm trọng. Vì vậy, để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đồng thời góp phần chống biến đổi khí hậu toàn cầu, nghĩa là giảm phát thải khí nhà kính, chúng ta cũng nên tính toán tới phát triển điện hạt nhân./.
Phòng Thời sư
Đài PTTH Lâm Đồng

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Quảng cáo trang nội dung, cột giữa Quảng cáo trang chủ, cột giữa