Sử dụng các phần mềm lậu, truy cập các trang web không uy tín, hay không sử dụng các phần mềm diệt virus có bản quyền…Đây chỉ là một vài hành vi sử dụng internet không an toàn, nhưng lại khá phổ biến ở nhiều người dùng tại Việt Nam
Với hơn 68 triệu người dùng internet hiện nay tại nước ta, thì ngoài việc hưởng những tiện ích, chúng ta cũng cần phải có ý thức và trách nhiệm trong việc bảo vệ không gian mạng Việt Nam.
20 nghìn tỷ đồng là tổng thiệt hại do virus máy tính gây ra tại Việt Nam riêng trong năm 2019, theo nghiên cứu của Tập đoàn Bkav.
Còn theo Cục an toàn thông tin, Việt Nam hiện có khoảng 16 triệu địa chỉ IPv4, trong đó khoảng 3 triệu địa chỉ IP thường xuyên nằm trong danh sách đen của nhiều tổ chức quốc tế; 2 triệu địa chỉ IP thường xuyên nằm trong các mạng máy tính ma (botnet) lớn.
Hai năm trở lại đây, nhờ có sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, chỉ số an toàn, an ninh mạng của Việt Nam đã có sự cải thiện rõ rệt, tăng 50 hạng so với năm 2017. Tuy vậy những con số trên mới chỉ thể hiện được một phần trong bức tranh toàn cảnh về tình hình an ninh mạng tại nước ta.
Ông Ngô Tuấn Anh – Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin cho hay : Những chỉ thị của Chính phủ chủ yếu tác động đến khối cơ quan hành chính sự nghiệp hay doanh nghiệp nhà nước còn lại số lượng máy tính sử dụng trong cơ quan tổ chức , doanh nghiệp còn rất nhiều và tỷ lệ lây nhiễm mã độc tại các hệ thống đó góp phần tạo ra tình trạng lây nhiễm mã độc ở trạng thái cao.
Hướng đến việc giảm 50% tỷ lệ lây nhiễm mã độc, giảm 50% địa chỉ IP của Việt Nam nằm trong 10 mạng botnet phổ biến, mới đây Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT đã phát động chiến dịch “Rà soát và bóc gỡ mã độc trên toàn quốc năm 2020”. Kết quả bước đầu ghi nhận có 2 triệu lượt tiếp cận chiến dịch, 300 nghìn lượt rà quét online trong đó phát hiện 100 nghìn địa chỉ IP nhiễm mã độc.
Anh Nguyễn Hữu Thắng – Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia nói :
So với tình hình nhiễm mã độc tại Việt Nam, con số này còn quá nhỏ bởi vì theo một nghiên cứu, riêng năm 2019 đã có hơn 85 triệu lượt máy tính nhiễm mã độc tại Việt Nam
Đặc biệt, chiến dịch lần này nhận được sự ủng hộ từ các tổ chức, tập đoàn và các hãng bảo mật lớn ở trong và ngoài nước nhằm lan tỏa hiệu quả cũng như lợi ích đến người dùng Internet Việt Nam.
Ông Vũ Ngọc Sơn – Phó Chủ tịch phụ trách mảng chống mã độc – Tập đoàn Bkav nói :
Chúng tôi cũng đã cung cấp công cụ phần mềm là phần mềm diệt virus miễn phí Bkav Home, người sử dụng có thể tải phần mềm này trên trang khonggianmang.vn. Khi người sử dụng truy cập cổng thông tin này sẽ nhận được các hướng dẫn ví dụ như kiểm tra xem máy tính của mình có bị nhiễm mã độc hay không
Ông Nguyễn Ngọc Quân – Quyền Giám đốc Trung tâm An toàn thông tin VNPT cho biết : VNPT cũng mong muốn tạo ra quá trình chuyển đổi số và không gian số an toàn cho các doanh nghiệp. Chúng ta có một không gian an toàn thì mới có thể chuyển đổi số thành công cũng như bảo vệ dữ liệu của chính mình
Chiến dịch hiện triển khai trên toàn không gian mạng Việt Nam, được thực hiện đồng bộ tại tất cả các tỉnh, thành phố từ cấp địa phương đến cấp trung ương. Hi vọng trong thời gian tới sẽ mang lại kết quả khả quan, góp phần thay đổi nhận thức về an toàn thông tin cho người dùng Internet nước ta.
Phòng Thời sự
Đài PTTH Lâm Đồng