Tin tức

Băn khoăn việc cấp phép đầu tư dự án năng lượng tái tạo

Thứ sáu, 09/10/2020 - 09:09

Nhiều dự án điện mặt trời đã được các đại gia ngoại nắm quyền sở hữu từ các nhà đầu tư nội bằng hình thức góp vốn, mua cổ phần. Bộ Công Thương đánh giá là đây là tín hiệu tốt trong việc thu hút đầu tư đối với ngành điện

Tuy nhiên cần phải rà soát lại các điều kiện đầu tư, đồng thời ngăn chặn ngay tình trạng nhà đầu tư không đủ năng lực, chưa làm dự án điện mặt trời, điện gió nhưng lại được cấp phép đầu tư.
Hai nhà máy điện mặt trời TTC 1 và TTC 2 tại Tây Ninh do Tập đoàn Thành công và Tập đoàn Năng lượng Gulf (Thái Lan) hợp tác đầu tư, vận hành từ giữa năm 2019. Khi đó tập đoàn Thái Lan sở hữu 49% vốn nhưng trong lần thay đổi gần nhất, Gulf đã tăng mức nắm giữ lên 90%. 
Ngoài Thái Lan, nhiều nhà đầu tư đến từ Singapore, Trung Quốc, Philippines... cũng sở hữu hàng chục dự án điện mặt trời, điện gió ở Việt Nam thông qua hình thức mua cổ phần, liên doanh. Lý giải về điều này, Bộ Công Thương cho rằng, việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án đầu tư là hoạt động bình thường theo cơ chế thị trường. 

Ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo, Bộ Công Thương cho hay : “Việc chuyển nhượng toàn bộ, hoặc một phần dự án đầu tư là hoạt động bình thường trong cơ chế thị trường và được quy định trong Luật Đầu tư. Quy định của pháp luật cho phép chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư nước ngoài đáp ứng đủ các điều kiện chuyển nhượng dự án đầu tư thuộc ngành nghề có điều kiện. Theo quy định hiện nay, việc chuyển nhượng dự án, thay đổi cổ đông do các sở và Bộ Kế hoạch - Đầu tư thụ lý giải quyết tùy theo quy mô dự án.
Theo một số nhà đầu tư trong nước, các tập đoàn năng lượng có vốn đầu tư nước ngoài hiếm khi tự thực hiện việc làm thủ tục đầu tư dự án để tránh các vấn đề pháp lý, thủ tục. Vì thế một số nhà đầu tư trong nước sẽ thành lập doanh nghiệp, tiến hành nghiên cứu, khảo sát, làm thủ tục đầu tư dự án. Sau đó, chuyển nhượng lại cổ phần tại doanh nghiệp đó cho các nhà đầu tư có khả năng thực hiện dự án. 

Ông Nguyễn Hữu Vinh – Phó Chủ tịch Ủy ban phát triển Năng lượng, Tập đoàn Hà Đô cho biết : các nhà đầu tư thực sự có năng lực ở Việt Nam không nhiều, cho nên hiện nay khi giá điện cho năng lượng tái tạo không được khuyến khích nữa thì lại phải trông chờ các nhà đầu tư nước ngoài
Chính vì thế, các chuyên gia cho rằng, cần phải xem lại quy trình đầu tư của những dự án này; đồng thời ngăn chặn ngay việc nhà đầu tư không đủ năng lực, chưa làm dự án điện mặt trời, điện gió lại được cấp phép đầu tư để bán lại dự án. Bởi nếu sơ suất về những điều kiện đảm bảo ràng buộc trong các dự án đầu tư này sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia.  
 
Ông Vũ Vinh Phú - Chuyên gia kinh tế nói : câu hỏi là đằng sau vấn đề này là như thế nào? Ngay Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu phải xem những nhà đầu tư yếu kém tìm cách chạy dự án năng lượng, mặt trời sau đó lại bán luôn là có vấn đề gì? Dự án điện mặt trơi cũng phải đề cấp đến việc dự án nào được bán, dự án nào không được bán
Các chuyên gia cũng cho rằng, thay vì yêu cầu cam kết năng lực nhà đầu tư như hiện nay thì có thể quy định thời hạn triển khai dự án. Nếu quá hạn, địa phương sẽ tước giấy phép, thu hồi đất. Bên cạnh đó, cũng cần phải tổ chức đấu thầu công khai các dự án điện năng lượng tái tạo, để cho các doanh nghiệp nước ngoài tìm hiểu thông tin và đầu tư ngay từ thời điểm đầu. Có như vậy mới tránh được tình trạng chạy dự án, giải phóng mặt bằng rồi chờ khách sang nhượng, gây lãng phí tài nguyên mà vẫn không giải quyết được bài toán thiếu điện../.
Phòng Thời sự
Đài PTTH Lâm Đồng

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Quảng cáo trang nội dung, cột giữa