Tin tức

Xu hướng lắp đặt điện mặt trời áp mái tại Khánh Hòa

Chủ nhật, 22/09/2019 - 10:54

Khánh Hòa vốn là địa phương có nhiều lợi thế trong việc phát triển điện mặt trời, cùng với đó là các cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà (còn gọi là điện áp mái) của Chính phủ

nhất là khi việc mua điện mặt trời đến tận hộ gia đình đi vào thực tiễn- đã tạo nên một xu hướng mới trong việc sử năng lượng tái tạo tại Khánh Hòa, trong thời gian gần đây: xu hướng sử dụng điện mặt trời và bán lại điện để sinh lời.
Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc mua điện mặt trời đến tận hộ gia đình, kèm theo cơ chế giá, thì các dự án điện trên mái nhà được thực hiện cơ chế bù trừ điện năng và sử dụng hệ thống công tơ hai chiều. Trong một chu kỳ thanh toán, lượng điện phát ra từ các dự án trên mái nhà lớn hơn lượng điện tiêu thụ sẽ được chuyển sang chu kỳ thanh toán kế tiếp. Khi kết thúc một năm hoặc khi kết thúc hợp đồng mua bán điện, lượng điện phát dư sẽ được bán cho bên mua điện theo giá quy định. Quy định này là một trong những nguyên nhân khiến anh Trần Trọng Tùng ở TP Nha Trang quyết định đầu tư lắp điện mặt trời, vừa giúp tiết giảm tiền điện, vừa có khả năng sinh lời từ lượng điện dư hàng tháng.
Qua thống kê sơ bộ, hiện nay trên địa bàn tỉnh có hơn 500 công trình điện mặt trời áp mái của các hộ dân, đơn vị đã kết nối với điện lưới của công ty cổ phần điện lực Khánh Hòa. Trong đó, tổng công suất hơn 21.000 kwp (kilo quat pic). Thông qua hệ thống đo đếm, sau khi sử dụng, lượng điện sản xuất dư từ các mô hình điện mặt trời phát lên lưới đạt hơn 3,5 triệu kWh. Nếu nhân với đơn giá mua điện năm 2019 là 2.134 đồng/kwh thì số tiền ngành điện phải chi trả cho việc mua điện mặt trời từ người dân là hơn 7,5 tỉ đồng. Đại diện công ty cổ phần điện lực Khánh Hòa cho biết, sau khi biết thông tin ngành điện thanh toán lại tiền điện từ hệ thống điện mặt trời áp mái, nhiều người dùng đã đầu tư thêm công suất điện mặt trời để vừa sử dụng điện, vừa có thể bán lại cho ngành điện.
Theo tính toán, lượng nắng trung bình tại Khánh Hòa thuộc diện cao nhất cả nước, vào khoảng 2000- 2600 giờ nắng/năm. Trên một m2 có thể sản xuất 3,5-4kwh/ngày. Chính vì vậy, với công suất thiết bị năng lượng điện mặt trời trung bình 5kW cho mức sử dụng của một hộ gia đình, thì khoảng 8 năm sau, các hộ có thể lấy lại vốn đầu tư cho hệ thống điện mặt trời áp mái của mình. Ngoài ra, các ưu đãi dành cho việc lắp đặt mặt trời cũng đang góp phần thu hút người dân lắp đặt.
Lượng điện sử dụng giảm đồng nghĩa với việc tránh những bậc thang mức giá cao, giảm tiền điện phải chi trả và có dư thì bán lại. Trước sức ép về nhu cầu năng lượng trong tình hình cung không đủ cầu, thì điện mặt trời nói chung hay điện áp mái nói riêng đã trở thành một giải pháp hiệu quả, góp phần tích cực vào đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thích ứng với sự biến đổi khí hậu hiện nay. 
Phòng Thời sự
Đài PTTH Lâm Đồng

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Quảng cáo trang nội dung, cột giữa Quảng cáo trang chủ, cột giữa