Tin tức

Sơ kết đề án phát triển ứng dụng dữ liệu chuyển đổi số quốc gia

Thứ tư, 21/12/2022 - 08:37

(Lamdongtv.vn) - Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp, Trưởng Ban chỉ đạo đề án 06/CP tỉnh đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn tỉnh sơ kết năm 2022 về thực hiện đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, (gọi tắt là đề án 06/CP)

Cùng dự có PCT UBND tỉnh Phạm S, lãnh đạo Công an tỉnh, các sở, ngành, các cơ quan TW trên địa bàn tỉnh, đại diện thành uỷ, huyện uỷ các địa phương......
 

 
Báo cáo của Công an tỉnh - Cơ quan thường trực cho thấy, trong thời gian qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức khi thực hiện Đề án 06/CP, nhưng trong quá trình triển khai, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án của tỉnh đã có sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt, sâu sát đối với việc thực hiện các nhiệm vụ của đề án; các sở, ban, ngành, UBND các cấp tại địa phương và Công an tỉnh - Cơ quan thường trực đã làm tốt vai trò thường trực thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao ...
Trong đó có nhiều nhiệm vụ đạt kết quả đáng ghi nhận như: 100% cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại địa phương đã triển khai được công tác tra cứu thông tin khám chữa bệnh BHYT bằng thẻ CCCD, công tác cấp CCCD gắn chip điện tử đạt 96,19%, công tác làm sạch dữ liệu tiêm chủng vắc xin Covid-19 đạt trên 80%, công tác làm sạch dữ liệu bảo hiểm xã hội đạt 64%... Đến nay, cơ bản đã hoàn thành các các nhóm nhiệm vụ theo tiến độ đề ra; ý thức, tinh thần trách nhiệm trong triển khai thực hiện Đề án 06/CP của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương được nâng lên, bước đầu đã tạo sự đồng thuận của người dân, các doanh nghiệp trên địa bàn, tạo tiền đề cơ bản để đẩy mạnh thực hiện Đề án 06/CP trong thời gian tới. 
 

 
Theo thống kê từ hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tính đến ngày 14/12/2022 Lâm Đồng có trên 386.000 hộ, trên 1.531.000 nhân khẩu, với 1,2 triệu nhân khẩu từ đủ 14 tuổi trở lên (chiếm tỷ lệ 78.69% dân số toàn tỉnh). Từ năm 2021, đã triển khai số hóa hồ sơ đầu vào và kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công cho các đơn vị cấp tỉnh; 04/12 đơn vị cấp huyện (Đà Lạt, Đức Trọng, Đơn Dương, Di linh) đã số hóa được một phần kết quả thủ tục hành chính còn hiệu lực.
Tỉnh đang triển khai việc số hóa ở cả 03 khâu giải quyết thủ tục hành chính: tiếp nhận, giải quyết hồ sơ và trả kết quả trên cơ sở tái sử dụng kết quả số hoá tài liệu. Đến ngày 20/10/2022, đã thực hiện số hóa được 8.000 thông tin Dữ liệu tư pháp;  11.597 hồ sơ số hóa dữ liệu theo chuyên ngành của Sở Tài nguyên Môi Trường, các huyện Di Linh, Đức Trọng, TP Đà Lạt đã hoàn thành số hóa dữ liệu đất đai, các địa phương còn lại đang triển khai thực hiện số hóa. Cũng trong năm 2022 đã tiếp nhận, giải quyết hơn 15.100 dịch vụ công thiết yếu thuộc thẩm quyền của lực lượng Công an. Đối với 14 dịch vụ công của các Sở, ngành được giao hiện còn 01/14 dịch vụ đã triển khai nhưng chưa đạt mức độ 4 theo yêu cầu  do chưa có triển khai từ cấp Bộ; Dịch vụ công Cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe, yêu cầu phải thực hiện mức độ 4 nhưng hiện đang thực hiện mức độ 3, do Bộ Giao thông Vận tải chưa triển khai tại Lâm Đồng.
Song song đó, dịch vụ Liên thông đăng ký khai sinh - Đăng ký thường trú - Cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tháng tuổi; Liên thông đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai tăng phí chưa thể thực hiện do chưa có hướng dẫn triển khai. Tỉnh Lâm Đồng đang tích cực chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Trung ương. Khi hệ thống của các Bộ, ngành xây dựng hoàn thiện, tỉnh Lâm Đồng sẵn sàng kết nối và sử dụng theo hướng dẫn. 
 

 
Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương, các Sở, ngành của tỉnh đã phát biểu, tham luận đánh giá kết quả, những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, phân tích nguyên nhân, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc triển khai Đề án 06 nói riêng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng thời gian tới.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo đề án 06/CP tỉnh cho rằng, thành quả tỷ lệ cấp căn cước công dân của Lâm Đồng hiện đang đứng thứ 17 trong toàn quốc, tỷ lệ thu nhận tài khoản định danh điện tử đứng thứ 33, 100 % cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại địa phương đã triển khai tra cứu thông tin khám chữa bệnh bảo hiểm xã hội bằng thẻ căn cước công dân là đáng ghi nhận. Tuy vậy, qua kiểm điểm đánh giá tại Hội nghị cho thấy còn nhiều vấn đề tồn tại và nguy cơ nếu không tập trung giải quyết thì rất khó có thể hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Vì vậy trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo đề án 06/CP tỉnh Trần Văn Hiệp yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tập trung thực hiện tốt 7 nội dung trọng tâm. Trước hết, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu các sở, ban, ngành, địa phương  phải chủ động trong việc triển khai các nhiệm vụ đặt ra theo phân công của Ban Chỉ đạo và hướng dẫn từ cơ quan thường trực Đề án 06/CP, không trông chờ vào việc triển khai từ cấp trên. Xác định cụ thể nội dung, thời hạn hoàn thành, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ  đạo, các cá nhân và tập thể có liên quan để tổ chức thực hiện đạt hiệu quả; nâng cao năng lực quản lý nhà nước, phục vụ tốt nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. các sở, ban, ngành, địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện số hóa các loại hồ sơ, dữ liệu gắn với các biện pháp kiểm tra, xác thực tính chính xác, chủ động phối hợp lực lượng Công an làm sạch dữ liệu chuyên ngành.
 

 
Chủ tịch UBND tỉnh, Trần Văn Hiệp cũng cho rằng phải xác định rõ các nguồn lực và phương tiện để triển khai thành công, các sở, ban, ngành có liên quan căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được giao rà soát, đề xuất UBND tỉnh có chỉ đạo cụ thể, như: Sở Tài chính chủ động nghiên cứu các quy định của pháp luật, tham mưu phân bố kinh phi và hướng dẫn các đơn vị, địa phương trong việc quản lý, sử dụng kinh phí; Sở Thông tin và Truyền thông triển khai rà soát, tổng hợp nhu cầu, mua sắm trang thiết bị phục vụ triển khai Đề án tại các sở, ngành, địa phương; Sở Nội vụ rà soát chung và đề xuất UBND tỉnh về nguồn nhân lực để tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án.
Song song đó, xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền rộng rãi đến người dân về các tiện ích của thẻ CCCD, định danh điện tử, lợi ích khi thực hiện các thủ tục hành chính trên dịch vụ công trực tuyến cũng như Đề án 06/Cp, để người dân hiểu rõ, thực hiện. Lãnh đạo UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân công để tổ chức triển khai các nội dung trên tại địa bàn tại địa phương mình, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
Trưởng Ban chỉ đạo đề án 06/CP tỉnh Trần Văn Hiệp, đề nghị Công an tỉnh – cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện của các cơ quan, địa phương, đơn vị; kịp thời báo cáo UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo có hình thức chỉ đạo, xử lý đối với các cơ quan, địa phương, đơn vị cố tình không chấp hành; chấp hành không đầy đủ các ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh và của Ban Chỉ đạo; đồng thời, tham mưu khen thưởng, động viên các tập thể, cá nhân làm tốt để nhân rộng, nâng cao hiệu quả thực hiện trên địa bàn./.

Hoàng Phúc

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Quảng cáo trang nội dung, cột giữa